Kinh tế

Lao đao vì hàng giả

H.Hương 29/11/2024 13:45

Hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tồn tại và xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nội địa với những thủ đoạn tinh vi, khó lường, nhất là trên sàn thương mại điện tử.

anhbaitren(1).jpg
Cần cẩn trọng với hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.

Giới thiệu hàng thật, giao hàng giả

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, vừa qua, công ty phát hiện nhiều sản phẩm yến sào của mình bị làm giả. Sản phẩm giả khi quét mã QR sẽ không ra thông tin, trên bao bì thể hiện địa điểm sản xuất và khi cơ quan chức năng vào kiểm tra thì chỉ là nơi gia công dán nhãn hiệu. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện trên 30 đơn vị, công ty sao chép mẫu mã, bao bì, thành phần sản phẩm; 15 công ty ở TPHCM sử dụng tên "Yến sào Khánh Hòa" để đặt nhãn hiệu sản phẩm; 10 website chứa tên miền "Yensaokhanhhoa". Tất cả những điều này làm cho người tiêu dùng lầm tưởng đó là sản phẩm chính hãng của Công ty Yến sào Khánh Hòa để trục lợi bán hàng kém chất lượng.

Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào chia sẻ, việc bán hàng giả trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nở rộ. Nhiều đối tượng giới thiệu hàng thật nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng. Các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi hơn, không chỉ quần áo, mỹ phẩm mà thậm chí còn có thuốc chữa bệnh. Bà Đào cũng cho biết thêm, bà vẫn mua hàng trên mạng xã hội để nắm bắt được thủ đoạn gian lận của các đối tượng này, từ đó có giải pháp ngăn chặn và bảo vệ người tiêu dùng của mình.

Còn ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn cho hay, nhiều tài khoản mạng xã hội dùng mẫu nón sơn thật để livestream nhưng khi giao hàng lại giao cho khách hàng giả. Do đó, ông Tý mong muốn cơ quan chức năng có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Nâng cao nhận thức người tiêu dùng

Thống kê mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, 10 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Các hành vi phổ biến là: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm các quy định về kinh doanh thương mại điện tử.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, thương mại điện tử phát triển, đi cùng sự tăng trưởng, thuận tiện cho người dân thì tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng gia tăng và đa dạng. Các mặt hàng vi phạm xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nội địa, từ đó, đặt ra vấn đề rất lớn đối với các chủ thể.

Đầu tiên là trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp - chủ sở hữu thương hiệu, đặc biệt là người tiêu dùng. “Do đó, làm thế nào để mua được hàng thật, tránh được hàng giả và có những biện pháp giảm tránh để không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang là một chủ đề quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" - ông Linh nói.

Ông Linh còn cho rằng, người làm hàng giả, hàng nhái liên tục có những thủ đoạn tinh vi, đa dạng để qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Việc dán tem nhãn để chống hàng giả cũng là một trong những phương thức để những người sản xuất hàng giả lợi dụng để luồn lách qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Do vậy, với sự phát triển của công nghệ có nhiều cách thức để phòng, chống hàng giả, như thay vì dùng tem nhãn bằng giấy thì rất nhiều thương hiệu dùng QR Code, AI, công nghệ Blockchain… Tuy nhiên, đây là cuộc chiến giữa hàng thật và hàng giả; giữa người sản xuất chân chính với người đang tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.

Giới chuyên gia cho rằng, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của các ban, ngành, quản lý thị trường. Tuy nhiên, chính nhận thức của người tiêu dùng mới là biện pháp hữu hiệu nhất.

H.Hương