Văn hóa

Cần thêm nguồn trợ lực cho điện ảnh

Phương Anh 30/11/2024 10:39

Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) (sửa đổi). Với bộ luật này, hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.

anhbaiduoi.jpg
Cảnh trong phim “Ngày xưa có một chuyện tình”.

Trước đó, mức thuế của những hoạt động này được quy định ở mức 5%. Như vậy, thuế VAT với ngành văn hóa đã tăng gấp đôi. Việc mức thuế VAT lên được xem là bài toán khó đối với các doanh nghiệp điện ảnh, trong khi việc tìm kiếm nhà đầu tư ngày càng hẹp dần bởi thực tế cho thấy điện ảnh từ lâu đã là ngành mang tính rủi ro, trong khi những người làm kinh tế có thể hướng đến những lĩnh vực an toàn hơn.

Thực tế cho thấy, riêng trong năm 2024, số phim điện ảnh đạt doanh thu cao rất ít, chỉ có phim “Mai” và “Lật mặt 7” là thành công. Trong khi đó, số phim doanh thu thấp, thậm chí nhà sản xuất chịu lỗ nặng, trong đó có thể kể đến “Đóa hoa mong manh”, “Móng vuốt”, “Lối thoát cuối cùng”, nhà sản xuất lỗ tới vài chục tỷ đồng, hoặc hơn.

Theo cách tính bình thường nhất, nếu thuế tăng lên gấp đôi (5% lên 10%) thì một dự án phim 25 tỷ đồng sẽ thành 26 tỷ đồng. Như vậy, bộ phim phải có doanh thu khoảng 68 tỷ đồng mới có khả năng hòa vốn. Thuế càng cao thì điểm hòa vốn của nhà đầu tư sẽ cao hơn, buộc họ sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trong đầu tư và cũng có nghĩa chúng ta sẽ có ít phim hơn, trong khi số tiền Nhà nước đầu tư cho mỗi dự án không nhiều nên điện ảnh đang rất cần xã hội hóa.

Tăng thuế VAT, các nhà đầu tư hạn chế hơn, xã hội hóa, gọi vốn đầu tư sẽ khó hơn rất nhiều. Từ đó, không chỉ làm giảm số lượng các bộ phim mà ngay cả chất lượng cũng ảnh hưởng, và ảnh hưởng tới cả hệ thống phát hành. Có nghĩa là khó khăn từ một khía cạnh nào đó, mà ở đây là tăng mức thuế, cũng sẽ ảnh hưởng đến khía cạnh khác vì tinh liên kết và phụ thuộc.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng mức thuế cao hơn sẽ làm tăng chi phí, từ đó làm giảm khả năng tiếp cận của người dân với các sản phẩm văn hóa, trong đó có điện ảnh; đặc biệt ảnh hưởng đến những đối tượng thu nhập thấp, làm cho khoảng cách tiếp cận văn hóa giữa các tầng lớp trong xã hội có nguy cơ gia tăng.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, điện ảnh Việt Nam đang có sự chuyển biến từ phim nhà nước sang phim tư nhân, vì thế việc tăng thuế VAT sẽ là một thách thức rất lớn. Tất nhiên, điều đó cho thấy sự thay đổi này cũng sẽ buộc các nhà sản xuất, nhà phát hành chọn lọc kỹ lưỡng những dự án để đầu tư trước khi sản xuất và ra rạp.

Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, ngoài thuế VAT, vẫn còn có rất nhiều công cụ khác để hỗ trợ các nhà sản xuất. Đặc biệt, trong ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, cho phép tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đây là nguồn lực rất lớn để phát triển văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Ngành điện ảnh cần nỗ lực lớn hơn để vượt qua khó khăn này và tìm kiếm thêm cơ hội để khẳng định thương hiệu điện ảnh Việt. Một số nhà sản xuất thì mong muốn Nhà nước có thêm chính sách để những người làm phim được tiếp cận với vốn ngân hàng, vốn trích Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh... Bởi trong Luật Điện ảnh có quy định về Quỹ này nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, mọi người rất cần những nguồn trợ lực như thế để làm phim, đặc biệt là các đạo diễn trẻ.

Phương Anh