Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp với sự thay đổi rõ rệt trong hình thái lây nhiễm từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục.
Đồng thời dịch còn có xu hướng gia tăng nhiễm ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Theo số liệu từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TPHCM, cả nước có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV với 100% số tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 11.400 trường hợp mới dương tính với HIV, trong đó gần 1.300 người tử vong. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay, 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là 15-29 (40%) và 30-39 (27,3%). Đáng lưu ý, gần 70% trường hợp nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (31,2%), Đông Nam Bộ (12,8%) và TPHCM (24,3%); độ tuổi 15-29 có xu hướng tăng cao.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhận định: “Dịch HIV/AIDS hiện vẫn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt - từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục, nhất là trong nhóm MSM. Đây là nhóm chiếm tỷ lệ lớn trong số người nhiễm HIV mới với hơn 40% số ca phát hiện hàng năm. Tuy nhiên, những người này vẫn phải nhận sự phân biệt kỳ thị từ cộng đồng, không dám công khai bản thân nên họ rất khó tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Một điều đáng quan ngại khác là trong tổng số ca nhiễm HIV mới, có đến gần 70% tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ và TPHCM và có đến gần 40% số nhiễm mới ở lứa tuổi 15-25, xuất hiện trong nhóm người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp và quan hệ tình dục tập thể. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C… làm tăng gánh nặng cho ngành y tế”.
Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng người chuyển giới nữ là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV và gia tăng những năm gần đây. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội ở nhóm này là 5,8% (năm 2022), trong khi tại TPHCM, tỷ lệ này tăng từ 6,8% (năm 2004) lên 18% (năm 2016) và 16,5% (năm 2020).
Thực tế cho thấy, dựa trên phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nguy cơ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, quan hệ đồng giới… Khả năng tiếp cận triển khai can thiệp rất khó vì vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng nhiều khó khăn, thách thức, thế nhưng, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nước ta vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng.
Cụ thể, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như đã thực hiện hơn 2 triệu lượt xét nghiệm HIV, quản lý điều trị ARV cho hơn 176.000 bệnh nhân, duy trì hiệu quả điều trị methadone cho hơn 46.500 người.
Các sáng kiến như cấp phát methadone nhiều ngày và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được mở rộng, đảm bảo tiếp cận đa dạng các nhóm nguy cơ. Việc chuyển đổi số trong quản lý dịch đã đạt kết quả tích cực với hệ thống HIV-INFO và HMED triển khai trên toàn quốc.
Việt Nam cũng liên tục củng cố khung pháp lý về HIV nhằm bảo vệ tốt hơn những người sống chung với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đảm bảo quyền của người dân Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu.
Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế. Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.
Ông Raman Hailevich - Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam đánh giá, số ca nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.
“Thành tựu này cho thấy tác động tích cực của việc đầu tư cả cho dự phòng và điều trị HIV của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp nhận và nhanh chóng triển khai những sáng kiến mới, như việc áp dụng tất cả các chiến lược xét nghiệm HIV hiện có, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP và chiến lược Không phát hiện = Không lây truyền...” - ông Raman Hailevich cho hay.