Xã hội

Hà Nội: Tăng cường an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở thu mua phế liệu

Thái Nhung 29/11/2024 16:13

Là loại hình kinh doanh mang lại thu nhập cho nhiều lao động, giúp tận dụng tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường, song đa phần các cơ sở thu mua phế liệu đều nằm trong khu dân cư, chưa tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Nguy cơ cháy nổ cao

Các cơ sở thu mua phế liệu thường có nhiều vật liệu dễ cháy như: Bìa các tông, chai nhựa, bình ga đã qua sử dụng… nhưng hệ thống PCCC, hệ thống điện không đảm bảo, lại nằm trong khu dân cư nên có nguy cơ cháy nổ cao và khi xảy ra hỏa hoạn rất dễ lan sang nhà hàng xóm.

Một cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Một cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Thực tế, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ liên quan đến các cơ sở kinh doanh phế liệu gây hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy tại cơ sở mua phế liệu ở xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) làm 3 mẹ con tử vong và người chồng bị bỏng nặng. Đây là căn nhà tạm quây bằng tôn của gia đình anh Y, vừa là nơi thu mua phế liệu vừa là chỗ ở của gia đình 4 người; hay vụ cháy mới đây tại cơ sở thu mua phế liệu của ông Nguyễn Duy Trữ (Quốc Oai, Hà Nội) đã gây thiệt hại nhiều tài sản.

Quan sát một cơ sở thu mua phế liệu tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho thấy, cơ sở này có nhiều chai nhựa, bìa các tông, bình ga cũ nhưng không được trang bị đầy đủ thiết bị PCCC. Ngoài thu mua phế liệu đây còn là chỗ ở của gia đình có 3 người, không có lối thoát hiểm phụ; hai bên là nhà dân, không có tường ngăn cháy, không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy lan.

28.11 Ảnh 2
Cận cảnh một cơ sở thu mua phế liệu kết hợp nhà ở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Chị Nguyên Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Có những hôm phế liệu nhiều, để lan ra đường, đi lại bất tiện và rất sợ cháy nổ. Chưa kể những phế liệu là chai lọ đựng thực phẩm còn bị bốc mùi, nhiều ruồi nhặng rất mất vệ sinh…".

Hay tại làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) là nơi tập trung nhiều hộ dân làm nghề thu gom, tái chế phế liệu (khoảng hơn 2.000 hộ), mặt bằng để tập kết và làm xưởng tái chế ở đây nhỏ hẹp, mái tôn sát nhau, thiếu thiết bị PCCC, nếu xảy ra cháy rất dễ lan sang hộ liền kề. Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, tại đây đã xảy ra 5 vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.

Tăng cường kiểm tra, vận động, tuyên truyền

Tuy thường xuyên tiếp xúc, lưu trữ vật liệu dễ cháy nổ nhưng nhiều chủ cơ sở vẫn rất chủ quan với nguy cơ cháy nổ và tầm quan trọng của công tác PCCC. Theo chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), nguyên nhân cháy nổ chủ yếu là do chập điện, nổ bình ga… phế liệu nhập về cuối ngày là các cơ sở thu mua lại đóng gói chuyển đi, không lưu kho nên khó có khả năng xảy ra cháy nổ. Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, “đa số những người buôn bán phế liệu ở đây đều là chủ nhà, là hộ gia đình tận dụng đất của mình để kinh doanh nên khá khó khăn trong việc bắt buộc họ thực hiện các quy định PCCC. Do đó UBND xã cũng đã xây dựng các biện pháp PCCC tại các thôn có tập trung nhiều cơ sở thu mua phế liệu; mở lớp tuyên truyền về kiến thức PCCC; thành lập các tổ liên gia PCCC; lắp đặt điểm chữa cháy công cộng…

Khi được hỏi về quy định an toàn PCCC, chị Minh chủ cơ sở thu mua phế liệu tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Cán bộ PCCC đã đến kiểm tra, phổ biến, tuyên truyền về quy định an toàn PCCC, đồng thời vận động các cơ cở thu mua phế liệu chuyển xa khu dân cư, hiện chúng tôi đang tìm địa điểm”.

Đại tá Phạm Trung Hiếu-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP. Hà Nội) cho biết, chính quyền các cấp quản lý trực tiếp tại địa bàn phải rà soát các cơ sở cho thuê đảm bảo đúng mục đích sử dụng; hướng dẫn giải pháp PCCC để cơ sở thực hiện như: Giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực để ở và lối thoát nạn; tách biệt vật liệu vật dụng dễ cháy; bố trí lối thoát nạn, thoát hiểm; ngoài thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn về PCCC, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết đối với những cơ sở chây ỳ, có dấu hiệu trốn tránh…

Các chủ
Các chủ cơ sở thu mua phế liệu quận Hà Đông (Hà Nội) được tuyên truyền phổ biến pháp luật và ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Ảnh: hadong.hanoi.gov.vn.

Công an TP Hà Nội cũng đã thường xuyên kiểm tra và đưa ra khuyến cáo đối với chủ các cơ sở thu mua phế liệu như: Không xây dựng kho bãi gần bệnh viện, trường học, nơi tập trung đông dân cư; thực hiện nghiêm quy định về an toàn PCCC; không để phế liệu, vật dụng, phương tiện cản trở đường lối, cửa thoát nạn; không để phế liệu gần nơi thờ cúng, khu vực bếp; phân loại, sắp xếp phế liệu thành từng lô, mỗi lô cách nhau 1,2m và cách tường 0,5m; cách trần và cách đèn 0,5m; có biện pháp bảo quản tốt đối với các loại phế liệu nguy hiểm như vỏ bình gas cũ, thùng chứa hóa chất, phế liệu chiến tranh; tổ chức tuyên truyền kiến thức về PCCC và cứu nạn cứu hội CNCH đến toàn thể nhân viên, tổ chức huấn luyện kỹ năng chữa cháy cơ bản, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra… Thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở nói chung và cơ sở phế liệu nói riêng là một trong những biện pháp tích cực để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thái Nhung