An sinh xã hội

Trở thành trung tâm, động lực phát triển của vùng

QUỐC ĐỊNH 01/12/2024 16:04

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững tỉnh Bình Dương đặt ra một số chiến lược bao trùm gồm: hợp tác để phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội con người Bình Dương phát triển xanh và tổ chức không gian phát triển mở rộng.

Xây dựng nền kinh tế đa dạng

Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, trong quy hoạch tổng thể lần này tỉnh đưa ra lộ trình thực hiện 38 nhiệm vụ (trong đó có 37 nhiệm vụ trọng tâm cộng thêm 1 nhiệm vụ quy hoạch tổng thể về kế hoạch và giải pháp thực hiện).

436-202412012052361.jpg
Thực hiện một cách bài bản, Bình Dương đang hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Đặc biệt, trong quy hoạch tổng thể, tỉnh Bình Dương áp dụng phương pháp tích hợp gắn với mục tiêu tăng trưởng đi kèm. Theo ông Nhân, với phương pháp tích hợp trong quy hoạch mà tỉnh đang thí điểm và quyết tâm thực hiện sẽ giải quyết căn cơ, căn bản những những tồn tại của các luật về quy hoạch trước đây.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho hay, quy hoạch của tỉnh được xây dựng dựa trên các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị và Chính phủ, cùng với sự tham vấn từ các chuyên gia đầu ngành. Quy hoạch tập trung vào 6 trụ cột phát triển, theo mô hình cấu trúc chiến lược gồm 1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển.

Theo ông Nhân, những yếu tố này sẽ giúp Bình Dương xây dựng một nền kinh tế bền vững, đa dạng hóa nguồn lực phát triển và tăng cường kết nối với các tỉnh thành lân cận. Để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh sẽ tham mưu chi tiết về các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm triển khai 37 nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch của tỉnh.

Mục tiêu của Bình Dương đến năm 2050 là nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người lên 15.000 USD/năm.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện tại Bình Dương đang là một trong số 17 địa phương trong cả nước có điều tiết nguồn thu ngân sách về trung ương, trong đó được giữ lại 33% nguồn thu nội địa, điều tiết 67% về trung ương. Đây cũng là áp lực lớn cho ngân sách địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với 5 chiến lược tích hợp sẽ giúp cho Bình Dương vượt qua thách thức, đạt mục tiêu phát triển cao và bền vững, trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng; phối hợp với các ngành, địa phương để cụ thể hóa vào báo cáo quy hoạch tỉnh và các đề án, chương trình cụ thể của ngành, địa phương đang triển khai, trở thành bộ chương trình hành động tổng hợp cho tỉnh Bình Dương.

Theo đó, những mục tiêu chủ yếu mang tính kế thừa, phát huy, tạo sự đột phá đó là: Phát triển dựa trên kết nối vùng, liên kết phát triển để tạo ra các phát triển đột phá trong chuyển đổi vai trò, nâng cao vị thế của tỉnh Bình Dương.

Đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp

Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được quan tâm sắp xếp, rà soát, sáp nhập để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đa dạng về hình thức, ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân.

436-202412012052362.jpg
Đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề nghiệp đã giúp Bình Dương từng bước chủ động được lực lượng, nhất là lao động chất lượng cao.

Toàn tỉnh hiện có 70 cơ sở GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN với 2.632 nhà giáo, cán bộ quản lý (nhà giáo: 1.998 người; cán bộ quản lý: 634 người); trong đó, nhà giáo, cán bộ quản lý trong hệ thống các trường công lập chiếm 30,6%. Đội ngũ nhà giáo GDNN được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, tất cả các nhà giáo đều đạt chuẩn về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng được tăng cường; đào tạo gắn với việc làm, với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động được quan tâm đẩy mạnh, hiệu quả được nâng lên. Công tác xã hội hóa đem lại kết quả bước đầu đã thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở GDNN, các cơ sở hoạt động GDNN ngoài công lập có bước phát triển, đóng góp tích cực cho thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về đào tạo nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có chuyển biến tích cực và tăng lên hàng năm. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng tăng. Kết quả đào tạo nghề đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 68% (năm 2014) lên 83% (năm 2023), trong đó, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 19,5% (năm 2014) lên 32% (năm 2023).

Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo ở các cơ sở GDNN được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đội ngũ nhà giáo tăng về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đạt chuẩn theo quy định để giảng dạy. Nội dung chương trình, phương pháp đào tạo được đổi mới; công tác kiểm định chất lượng được quan tâm thực hiện nên chất lượng GDNN được cải thiện. Cơ chế tài chính được đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ về chi thường xuyên đã nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả đầu tư ở các cơ sở GDNN công lập.

Việc gắn kết "3 nhà" trong hoạt động GDNN bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước. Nhiều cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên như hỗ trợ nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo, mời những chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy, phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức cho giáo viên tham quan thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp,… Từ đó giúp việc đào tạo nghề được nâng cao chất lượng, ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

QUỐC ĐỊNH