Kinh tế

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

NAM ANH 02/12/2024 07:55

Giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam chỉ phát hành được khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, con số rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn lên đến 20 tỷ USD mỗi năm cho các mục tiêu chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.

tren.jpg
Việc tháo gỡ các rào cản và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh sẽ đóng vai trò quyết định trong hành trình đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Ảnh: H.A.

Về thực tế nêu trên, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam (tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án) cho hay: Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều hơn, hiệu quả hơn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Hiện thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm thị trường tín dụng xanh, thị trường trái phiếu xanh và thị trường cổ phiếu xanh.

Liên quan tới thị trường tài chính xanh, ông Lê Trung Thông - Giám đốc Công ty cổ phần Lagom Việt Nam, chia sẻ: nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ tài chính xanh, đồng thời chưa đáp ứng được các yêu cầu về minh bạch thông tin và báo cáo. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Phương Nam - Tổng giám đốc Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA, chỉ rõ, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống chuẩn mực đủ mạnh để các ngân hàng áp dụng khi xem xét các khoản vay xanh.

Theo TS Nam, hiện nay, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đang áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau khi cung cấp tín dụng xanh tại Việt Nam. Các DN muốn tiếp cận vốn xanh phải tuân theo chuẩn mực của tổ chức tín dụng cụ thể mà họ vay vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm bất lợi vì sự thiếu thống nhất và chuẩn hóa trong các tiêu chí vay vốn khiến DN lúng túng và làm tăng chi phí giao dịch. Mặt khác, tiềm năng nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính quốc tế là rất dồi dào. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần nâng cao năng lực để đáp ứng được các tiêu chuẩn của những tổ chức này.

Trong khi đó, đối với thị trường cổ phiếu xanh, tình trạng thiếu sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn là rào cản lớn. Theo TS Phạm Nguyễn Anh Huy, công tác tại Đại học RMIT Việt Nam, chúng ta cần xây dựng các cơ chế ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường này, bao gồm việc cải thiện tính minh bạch và sử dụng các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế. Để tận dụng tối đa nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các khung pháp lý và chuẩn mực, đồng thời hỗ trợ DN nâng cao năng lực tiếp cận nguồn tài chính xanh nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Còn theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, trong những năm tới, thị trường tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ trở thành một trụ cột quan trọng trong tài chính xanh và giúp Việt Nam hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại đã kí kết. Đặc biệt, thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ...

Nhận định về thị trường tài chính xanh, TS Lại Văn Mạnh (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc thí điểm thị trường carbon sẽ bắt đầu vào năm 2025, với mục tiêu vận hành chính thức vào năm 2028. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam thực hiện các cam kết giảm phát thải, đồng thời mở ra cơ hội lớn trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thị trường carbon hiện vẫn còn nhiều hạn chế như tính thanh khoản thấp và thiếu các quy định đồng bộ.

Ông Mạnh cho biết thêm, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển tài chính xanh, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc tháo gỡ các rào cản và hỗ trợ DN Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh sẽ đóng vai trò quyết định trong hành trình đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng chính sách và phát triển thị trường tài chính xanh sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài.

NAM ANH