Quốc tế

Thêm một hành trình thám hiểm Nam Cực

Bảo Thư 02/12/2024 10:15

Ngày 1/12, truyền thông Brazil cho biết, kể từ ngày 25/11, hơn 60 nhà khoa học đến từ các quốc gia thành viên BRICS, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Chile, Ấn Độ, Peru và Nga, cùng khách mời Argentina đã bắt đầu hành trình thám hiểm Nam Cực trên tàu phá băng Akademik Tryoshnikov của Nga.

Anh bai duoi
Chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực.

BRICS là một tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Gần đây, BRICS đã mở rộng với Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Chuyến thám hiểm vòng quanh vùng biển Nam Cực kéo dài 2 tháng của tàu Akademik Tryoshnikov bắt đầu từ cảng Rio Grande của Brazil. Trong chuyến đi này, các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu về môi trường tự nhiên, cũng như bổ sung hình ảnh và dữ liệu mới về thực trạng của Nam Cực để xác định những thay đổi của khu vực này trong 10.000 năm qua.

Tàu nghiên cứu điện - diesel Akademik Tryoshnikov, có chiều dài hơn 133m và chiều rộng 23m, được xây dựng tại nhà máy đóng tàu Admiralty ở Saint Petersburg đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Địa cực Nga.

Trước đó, tàu Akademik Tryoshnikov, hạ thủy năm 2011, cũng đã thực hiện hành trình thám hiểm tại Nam Cực từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017. Các nhà khoa học Nga và Brazil cũng lên kế hoạch thực hiện một dự án tương tự ở Bắc Cực tại trung tâm nghiên cứu của Nga ở khu vực này trong vòng 1 năm.

Nam Cực là nơi băng giá nhất hành tinh. Đoàn thám hiểm được cho là đầu tiên đặt chân tới đây vào năm 1911. 3 trong số 4 người trong đoàn thám hiểm đã chết vì lạnh. Trong suốt mùa đông Nam bán cầu, Nam Cực không nhận được bất cứ ánh sáng mặt trời nào trong 6 tháng. Vào mùa hè, mặt trời luôn nằm ở đường chân trời. Phần lớn ánh mặt trời chiếu xuống bề mặt bị phản chiếu trở lại bởi bề mặt băng trắng xóa. Giữa mùa hè, thì nhiệt độ trung bình vẫn là âm 25 độ C; còn mùa đông là âm 65 độ C. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận là âm 13,6 độ C, còn thấp nhất là âm 82,8 độ C.

Là vùng băng giá mênh mông, Nam Cực có thể coi là không có hệ thực vật. Hệ động vật ở đây cũng vô cùng nghèo nàn, phổ biến chỉ có chim cánh cụt hoàng đế - chúng có thể lao xuống biển với độ sâu 500m mò thức ăn, giữ hơi thở lâu đến 22 phút; Cá voi sát thủ - một trong số những loài động vật ăn thịt hung dữ nhất đại dương, có tốc độ bơi tới 56km/h; Hải cẩu Weddell - sở hữu bộ xương sống mềm dẻo giúp chúng dễ uốn lượn, nhào lộn trong những hố băng - nơi điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.

Bảo Thư