Bảo hiểm y tế theo quy định mới: Đảm bảo quyền lợi người tham gia
Từ năm 2025, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện nay mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.
“Xóa địa giới” hành chính trong khám chữa bệnh
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua mới đây và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đơn vị này đã họp trực tuyến với Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và Bảo hiểm xã hội cấp huyện trên toàn quốc để chỉ đạo triển khai, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định mới.
Đề cập về những điểm mới của Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều điểm mới nổi bật mang lại lợi ích và thuận lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó, Luật đã sửa đổi hoàn toàn Điều 12 của Luật cũ về đối tượng, phương thức đóng, mức đóng, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2024. Nhiều nhóm đối tượng mới được bổ sung, cũng như nâng mức hỗ trợ.
Về mở rộng quyền lợi, Luật mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh y học gia đình, khám chữa bệnh tại nhà để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Một điểm nhấn nữa trong Luật sửa đổi là các quy định được thiết kế hướng đến việc "xóa địa giới hành chính” trong khám chữa bệnh. Luật quy định đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh về phân cấp chuyên môn thành 3 cấp gồm: Chuyên sâu, cơ bản và ban đầu. Trong đó, việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước); tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở khám chữa bệnh.
Về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu có quy định, tiêu chí rất rõ ràng. Trong đó, người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cấp cao sẽ được khám chữa bệnh ở cấp thấp hơn. Đặc biệt là việc người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế cấp cơ bản, hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Như vậy, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.
Sẵn sàng triển khai quy định mới
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT, việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp yêu cầu chuyên môn và đưa ra giải pháp tăng cường năng lực khám chữa bệnh BHYT cho y tế cơ sở; bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử…
Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng đây là những cải cách lớn, tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân trong khám chữa bệnh BHYT. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, thống nhất với Bộ Y tế trong triển khai đồng bộ các chính sách này.
Để việc triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động lên kế hoạch, phương án để triển khai Luật ngay từ những ngày đầu có hiệu lực; kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
“Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các nguồn lực; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai kịp thời, hiệu quả Luật, giúp người dân khám chữa bệnh BHYT ngày càng thuận lợi, chất lượng ngày càng tốt hơn” - ông Hòa khẳng định.