Làm mới chứ đừng... làm quá
Những ngày này, việc NSND Thanh Lam “trồng cây chuối” trong bộ áo bà ba xanh lá, quần đen… đang lan truyền trên mạng xã hội. Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn cho rằng động tác diễn như vậy là không phù hợp với ca khúc, phản cảm.
Từ lâu ca khúc “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn đã rất quen thuộc với người yêu ca nhạc cả nước, bởi giai điệu trữ tình đậm đà chất dân ca Nam Bộ cùng lời ca duyên dáng mà bình dị. Ca khúc này cũng đã được nhiều ca sĩ thể hiện và cùng đều thành công ở các mức độ khác nhau. Nhưng cho đến khi Thanh Lam làm mới, trình diễn theo kiểu khác lạ thì mới thực sự bùng nổ. Đáng tiếc lại là bùng nổ do có quá nhiều ý kiến. Có ý kiến còn cho là đây là tiết mục “thảm họa”, làm tổn thương chiếc áo bà ba truyền thống.
Hình ảnh NSND Thanh Lam trong tiết mục “Áo mới Cà Mau” khiến người ta bất ngờ tới độ không hình dung nổi. Thật ra, cũng không phải không có ca sĩ từng xoạc chân, trồng cây chuối khi biểu diễn, nhưng không phải là ở một bài hát đậm chất dân ca và văn hóa vùng miền. Nhất là với NSND Thanh Lam - người đã bước qua tuổi 50 thì sự việc lại rất khác và khán giả có cơ sở để chê trách.
Với những giọng ca nữ nổi danh trong vòng 40 năm qua thì ca sĩ Thanh Lam có một vị trí khá riêng biệt, bởi giọng hát nồng nàn, cách xử lý tác phẩm rất riêng, đã thành công khi làm mới nhiều ca khúc tưởng như không thể làm mới được nữa. Lần này, với “Áo mới Cà Mau”, NSND Thanh Lam lại tiếp tục làm mới, nhưng có lẽ đã quá đà.
Thời gian qua, trong giới giải trí, không ít người cố tạo scandal gây sốc nhằm gây sự chú ý do sợ bị khán giả quên, hoặc là “đi tắt” để mong được ghi danh vào giới showbiz trong khi tài năng không nhiều. Cũng vì thế mà họ nhanh chóng “đánh mất mình”. Các cụ xưa từng nói “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” để nhắc nhủ rằng xây dựng được danh hiệu, có tiếng tăm là vô cùng khó khăn, nhưng chỉ một chút sơ sẩy là mất tất. Với nghệ sĩ biểu diễn, họ sống được trong lòng công chúng, nhận được sự yêu thương là do tài năng và cống hiến chứ không phải là những cú gây sốc, nhất là khi cố tình gây sốc bằng những hành vi, lời nói phản cảm.
Nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng tài năng càng phải chú ý gìn giữ hình ảnh, gìn giữ sự yêu thương, trân trọng của công chúng. Hành vi của họ luôn được công chúng dõi theo, nhiều người còn học theo. Vì thế, lại càng phải thận trọng. Công chúng, người hâm mộ mong chờ ở họ những điều tốt đẹp chứ không phải là những lời nói thiếu trách nhiệm, bạt mạng không nghĩ đến hậu quả, hay là những hành vi phản cảm. Sự hoen ố về hình ảnh khiến họ mất đi công chúng, có khi còn mất cả sự nghiệp đã từng dày công vun đắp.
Thật đáng tiếc, sự thiếu chuẩn mực của một số nghệ sĩ lại không phải là hiện tượng cá biệt. Nghệ sĩ, người nổi tiếng là người của công chúng nên họ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự bùng nổ các phương tiện truyền thông lại càng giúp cho người nổi tiếng dễ chi phối công chúng hơn, nhưng mặt khác họ phải chịu sự “giám sát” chặt chẽ hơn rất nhiều. Việc họ bị soi xét suy cho cùng vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Áp lực từ công chúng buộc họ phải không ngừng hoàn thiện mình.
Câu chuyện của NSND Thanh Lam một lần nữa cho thấy, càng nổi tiếng càng cần gìn giữ, do hành vi tưởng chừng rất cá nhân nhưng lại tác động tới nhiều nhóm xã hội. Điều này vì chính họ, và vì lợi ích chung của xã hội, từ đó lan tỏa những thông điệp tích cực về cái thiện, cái đẹp, tình yêu thương của nghệ thuật, của cuộc sống đối với tất cả mọi người.