Tiếng dân

Ngư dân kêu cứu vì cảng bị bồi lấp

Điền Bắc 04/12/2024 09:39

Cửa biển bị bồi lấp khiến tàu thuyền ra vào cảng gặp khó khăn, đã có nhiều phương tiện bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm, hư hỏng gây thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân.

Anh nho
Tàu thuyền ra vào cửa biển Lạch Vạn bị mặc cạn thiệt hại nặng nề cho ngư dân. Ảnh: V.H.

Mất tàu... ở cửa biển

Những năm gần đây, cửa biển Lạch Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị bồi lấp nghiêm trọng, là nỗi ám ảnh đối với ngư dân địa phương mỗi khi tàu thuyền cập bờ. Mới đây nhất, vào khoảng 23 giờ ngày 4/11, tàu cá của anh Đặng Văn Hải (45 tuổi) trú xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu), mang số hiệu NA-3740-TS với công suất hơn 140CV, chiều dài gần 14m đang trên đường vào cảng Lạch Vạn (cách bờ khoảng 100m) thì không may gặp sóng to, gió lớn bị xô dạt vào doi cát.

Ngay sau sự cố xảy ra, anh Hải báo tin cho chính quyền địa phương, đoàn viên trong nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Ngọc đến hỗ trợ, giúp sức đưa phương tiện ra khỏi vị trí gặp nạn. Chủ tàu đã thuê thêm 2 máy xúc, máy kéo tham gia giải cứu phương tiện. Tuy nhiên trong điều kiện sức gió quá mạnh, sóng lớn nên đến khoảng 6 giờ ngày 5/11, phần đáy thuyền bị lún sâu, chôn chặt trong cát. “Gia đình tôi đành chấp nhận tháo dỡ toàn bộ máy móc và vận chuyển ngư cụ, các vật dụng ra khỏi phương tiện để giảm phần nào thiệt hại. Riêng thân tàu hiện đang nằm sâu dưới lớp cát, khối tài sản lớn nhất của gia đình giờ trở thành đồ phế thải” - anh Hải buồn bã nói.

Trước đó, vào tháng 7/2024, tàu cá NA-90479-TS và NA-90582-TS của ngư dân xã Diễn Bích đang trên đường vào cửa Lạch Vạn cũng bị mắc cạn, nước tràn vào tàu, làm hỏng máy gây thiệt hại gần 50 triệu đồng. Theo nhiều ngư dân tại đây cho biết, cửa Lạch Vạn bị bồi lấp hàng chục năm nay, gây nhiều khó khăn, tốn kém chi phí cho ngư dân mỗi khi ra biển đánh bắt hoặc cập bờ bán hải sản. Đối với loại tàu cá trên 15m, ngư dân phải chờ thủy triều lớn nhất mới cập cảng được.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Qua thống kê, từ đầu năm 2024 đến tháng 11/2024, đã có 9 tàu cá của ngư dân gặp nạn ở khu vực cảng Lạch Vạn, gây thiệt hại lớn cho ngư dân, khiến họ rơi vào cảnh khó khăn. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên, các ngành chức năng xem xét, sớm nạo vét và xây bờ kè kiên cố hai bên cửa lạch để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp” - ông Dũng nói.

Mong chờ được nạo vét

Cửa biển Lạch Vạn là một trong 6 cửa lạch lớn của tỉnh Nghệ An, mỗi ngày đón hàng trăm lượt tàu, thuyền của ngư dân ra vào. Nhiều năm qua, cửa biển này bị bồi lắng nghiêm trọng do phù sa từ sông Bùng đẩy xuống, phù sa từ biển theo chiều gió mùa Đông Bắc thổi vào tạo nên những doi cát nguy hiểm. Thực trạng này tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông ra, vào lạch.

Do hiện tượng mắc cạn khi vào cửa Lạch Vạn, ngư dân Diễn Châu sinh sống hai bên cửa biển này phải chọn phương án vào các cảng cá khác để neo đậu, bốc dỡ hàng hóa. Còn những tàu cá cỡ lớn của ngư dân địa phương đều phải neo đậu ngoài xa rồi dùng thuyền nhỏ để trung chuyển hải sản vào cảng cá.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho biết: Tình trạng bồi lắng tại cửa Lạch Vạn đang ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. "Hàng năm, UBND huyện đều có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nghệ An và các cấp, ngành liên quan đề nghị sớm có phương án khắc phục, xử lý tình trạng bồi lắng tại cửa Lạch Vạn" - ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, cửa biển Lạch Vạn cạn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gây thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, ngư dân không thể phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, hoạt động hậu cần nghề cá cũng gặp nhiều khó khăn. Việc các cảng cá, luồng lạch ở khu vực biên giới biển tỉnh Nghệ An, trong đó có cửa biển Lạch Vạn bị bồi lấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Nạo vét cửa biển Lạch Vạn là nhu cầu rất cấp bách đối với ngư dân địa phương, tuy nhiên dự án đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, triển khai một cách căn cơ…

Điền Bắc