Kinh tế

Nông, lâm, thủy sản xuất khẩu: Đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng

An Bình 04/12/2024 09:43

Nỗ lực đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của Việt Nam và Trung Quốc. Đó là vấn đề được đề cập tại Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 3/12. Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức.

ảnh trên
Xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch lớn hàng năm. Ảnh: Quang Vinh.

Thị trường giàu tiềm năng

Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Về xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản, có sự tăng trưởng đều trong năm 2023 và 11 tháng năm 2024 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 16 tỷ USD (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng đến 29% đến 40% so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021); trong đó, xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 11%).

Hiện tại, Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy sữa và các sản phẩm sữa, 9 doanh nghiệp (DN) tổ yến Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Trung Quốc đã công nhận danh sách 48 loài thuỷ sản sống và 128 loại sản phẩm thuỷ sản được phép nhập khẩu vào thị trường này. Đến nay 596 DN Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản cũng đã được thị trường Trung Quốc công nhận...

Tuy nhiên, để xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản và thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, các mặt hàng phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm 2015 và Luật Kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu của Trung Quốc. DN xuất khẩu phải có đủ điều kiện về nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất, phòng kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng và yêu cầu kỹ thuật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Việt Nam và của Trung Quốc mới được phép cấp mã số DN xuất khẩu sang Trung Quốc...

Theo ông Lý Duệ - Phó Thị trưởng thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, hiện nhiều sản phẩm Việt Nam như bánh đậu xanh, kẹo dừa, hạt điều, vải sấy khô, sầu riêng, mít, thanh long được bày bán tại thành phố Nghĩa Ô và nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng, mong rằng cơ quan chức năng hai nước và các địa phương của hai nước sẽ hỗ trợ, phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của hai bên...

Gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy giao thương

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thông tin, thực hiện tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.

Để thúc đẩy kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT, Hiệp hội DN tỉnh tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật các sản phẩm nông lâm thủy sản, duy trì phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đảm bảo chất lượng và bền vững.

Các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động đàm phán mở thêm các sản phẩm mới, bổ sung thêm vùng trồng/vùng nuôi, DN được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; chủ động ứng phó tháo gỡ các vướng mắc trong xuất nhập khẩu nông sản, duy trì và phát triển thị trường. Đồng thời phổ biến, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc để DN triển khai thực hiện, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc; kịp thời nắm bắt và phổ biến các quy định mới về xuất nhập khẩu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Cùng với đó các địa phương tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với DN chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; khẩn trương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu.

An Bình