Lo ngại dịch sốt xuất huyết quay trở lại
Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn luôn là một trong những mối quan tâm chính trong công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế nước ta. Đáng lo ngại hơn khi dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp trong những năm gần đây.
20 ca tử vong do sốt xuất huyết
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong tuần qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 585 trường hợp mắc SXH (tăng 89 trường hợp so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 7.824 trường hợp mắc SXH (số ca mắc giảm 79,1% so với cùng kỳ năm 2023).
Còn tại TPHCM, Sở Y tế thông tin, tuần qua, tổng số ca SXH là 659. Tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 13.462 ca.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 125.941 trường hợp mắc SXH, 20 ca tử vong.
TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: Hàng năm, trên thế giới có từ 100 – 400 triệu người mắc SXH với hơn 10.000 ca tử vong. Tính riêng tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 mắc dịch bệnh này, chưa kể những ca bệnh nặng phải nhập viện, gây ra gánh nặng rất lớn cho sức khỏe và kinh tế của nhân dân. Cục Y tế dự phòng đã có nghiên cứu, đánh giá cho thấy, mỗi người nhập viện vì SXH sẽ tiêu tốn khoảng từ 6-10 triệu đồng. Hiện nay, Cục Y tế dự phòng đang rất quan tâm tới diễn biến của 2 dịch bệnh lưu hành tại nước ta, đó là dịch tay chân miệng và dịch SXH. Đặc biệt là SXH”.
Nguy cơ dịch quay trở lại
Đánh giá về nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp tại nước ta trong những năm gần đây, GS.TS Vũ Sinh Nam - Cố vấn cao cấp về SXH, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học dự phòng Việt Nam cho biết, hiện nay có rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh SXH.
Theo ông Nam, trước đây Việt Nam ghi nhận chu kỳ cứ 10-12 năm có một vụ dịch lớn. Thế nhưng, từ năm 2019 – 2023, nước ta đã ghi nhận 2 vụ dịch rất lớn với hàng trăm nghìn ca mắc. Về mặt dịch tễ của SXH tại nước ta cũng có những thay đổi lớn. Nếu như trước đây, dịch SXH chủ yếu tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung thì hiện nay đã lan rộng tới những địa phương khác như Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận SXH lưu hành. Khó khăn tiếp theo là việc phòng chống vector.
SXH do muỗi truyền và nó không giống muỗi truyền sốt rét hay viêm não Nhật Bản là trú động ngoài nhà, muỗi vằn truyền bệnh SXH trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước. Vì vậy nếu chỉ có y tế, chính quyền thì không thể diệt được vector truyền bệnh, mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng. Tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh khó kiểm soát.
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, trong nhiều năm qua, chúng ta chủ yếu kiểm soát dịch SXH qua vector và điều trị triệu chứng. Trước đây, có chương trình mục tiêu quốc gia, chủ yếu dùng mạng lưới cộng tác viên ở thôn, bản, xã để truyền thông, hướng dẫn cho người dân loại bỏ loăng quăng, bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước sạch trong nhà. Chương trình mục tiêu kết thúc vào năm 2020. Tuy nhiên sau khi chương trình kết thúc, theo Luật Ngân sách, chúng ta yêu cầu các địa phương bố trí ngân sách phòng, chống SXH nhưng khi không có chương trình cụ thể, chưa có vũ khí là vaccine thì vấn đề tuyên truyền, chỉ đạo cũng giảm bớt. Chính vì thế trong những năm gần đây, SXH gần như quay trở lại.
Vaccine là chìa khóa tốt nhất
Trong bối cảnh đó, ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh: “Vũ khí để phòng chống dịch SXH hiệu quả nhất là vaccine. Việc vaccine SXH Qdenga (Takeda, Nhật Bản) ra đời và được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành vào tháng 5/2024 là chìa khóa để giải quyết bài toán phòng chống dịch bệnh SXH tại Việt Nam”.
Trước đó, loại vaccine này đã được cấp phép lưu hành và sử dụng tại hơn 40 quốc gia trên toàn cầu, được đánh giá là vaccine SXH có khả năng phòng bệnh cao trên 80%, phòng đến 90% nguy cơ nhập viện do SXH, chỉ định chủng ngừa cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, bất kể tình trạng nhiễm SXH trước đây với lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, để có thể phòng, chống SXH bền vững, bên cạnh tiêm vaccine phòng SXH, người dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống SXH tại nơi mình sinh sống.
Đồng thời, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu SXH, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Triệu chứng của bệnh SXH dễ nhầm với sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.