Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Siết chặt quản lý, sử dụng drone

Trung Kiên 05/12/2024 14:29

Thời gian qua việc cơ giới hóa nông nghiệp giúp người nông dân làm lúa khỏe hơn nhiều. Việc sử dụng drone (phương tiện bay không người lái) để phun thuốc cho lúa, hoa màu, vừa giúp nông dân nhàn hơn trong sản xuất, lại tránh được những rủi ro bệnh tật về sau.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Kiên Giang có trên 690 drone nông nghiệp. Nhiều nhất là huyện Hòn Đất có 231 máy, huyện Giang Thành có 141 máy, huyện Giồng Riềng có 115 máy...

Tuy nhiên, vụ tai nạn hi hữu mới đây tại xã Mỹ Hiệp Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), một drone trong lúc phun thuốc đã va chạm và gây tử vong một người đàn ông đang đi trên đường, đã cho thấy cần phải siết chặt công tác quản lý, tập huấn cho người điều khiển phương tiện này.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra ở Kiên Giang, một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có văn bản yêu cầu nắm lại người sở hữu drone, hướng dẫn người sử dụng đảm bảo an toàn bay trong sản xuất nông nghiệp. Gần đây nhất, ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân. Đáng chú ý, luật mới đã quy định rõ việc quản lý drone, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không. Đồng thời các quy định về việc đăng ký, cấp phép, sử dụng bay drone và thiết bị bay khác đã được quy định chi tiết trong Luật Phòng không nhân dân. Trong đó nêu rõ drone phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Drone trước khi đưa vào sử dụng phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc công nhận; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam…

Thiết bị bay không người lái luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội. Cơ quan Công an liên tục cảnh báo, bên cạnh các tác dụng tích cực trong nông nghiệp và xây dựng, việc sử dụng drone không đúng mục đích có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Sự xuất hiện tràn lan và thiếu kiểm soát các hội nhóm mua bán, sửa chữa drone có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng. Cụ thể ở Bắc Ninh, Công an TP Từ Sơn vừa qua đã triệt phá một chuyên án sử dụng drone để vận chuyển giao dịch buôn bán ma túy hòng qua mặt cơ quan chức năng.

Các hội nhóm “chơi” drone ngày càng nhiều, thiết bị bay ngày càng hiện đại có thể bay rất cao, từ 500m đến cả 1.000m. Trong khi đó, lực lượng quản lý của Bộ Quốc phòng cũng không thể có mặt suốt ở cơ sở để kiểm soát hết được. Vì vậy ngoài Bộ Quốc phòng, các cấp địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý để đảm bảo chặt chẽ hơn đối với hoạt động của phương tiện này.

Trên thực tế, nhiều người dân khi sử dụng thiết bị bay không người lái không biết, không tự trang bị kiến thức hoặc cố tình phớt lờ quy định. Nhất là khi địa phương có các sự kiện lớn sẽ xuất hiện các phương tiện bay không phép, bay ở vùng cấm và đã bị lực lượng chức năng “bắn” hạ hoặc tịch thu phương tiện.

Gần đây, sau khi xảy ra một số sự cố nghiêm trọng, rất nhiều ý kiến cho rằng cần siết chặt hơn nữa quy định về bay drone như đối với điều khiển xe máy, ô tô.

Các chuyên gia, luật sư cũng đã chỉ ra rất rõ quy định chế tài và xử phạt. Cụ thể: Hành vi sử dụng thiết bị bay không người lái không phép sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính, mức phạt cao nhất có thể lên đến 40 triệu đồng. Trường hợp vi phạm gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác từ 31% trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự và có thể bị xử phạt lên đến 3 năm tù. Trường hợp gây thiệt hại tính mạng người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự và có thể bị xử phạt lên đến 10 năm tù.

Trung Kiên