Dân tộc

Đưa kiến thức pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Quý 06/12/2024 09:15

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, cùng các địa phương đẩy mạnh thực hiện.

bai duoii
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoành Mô tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Thôn Khe Càn (xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) giờ không còn là vùng núi cao hẻo lánh nữa. Những con đường mới đã kéo gần khoảng cách khu vực đô thị với vùng cao như Đồng Sơn, Kỳ Thượng. Nhờ đó, những chuyến đi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến Khe Càn ngày càng nhiều hơn.

Anh Đặng Hữu Tề - công chức văn hóa xã Đồng Sơn cho biết: Giờ đây người dân Đồng Sơn đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Giao thông, Luật Hôn nhân và Gia đình… Nhờ đó, tình trạng vi phạm an toàn giao thông tại xã rất ít xảy ra; tình trạng kết hôn trước tuổi giảm mạnh, không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống…

Vừa qua, chúng tôi được tham gia chương trình trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp Quảng Ninh) phối hợp với UBND xã Điền Xá (huyện Tiên Yên) thực hiện. Tại đây, nhiều kiến thức pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình, giao thông đường bộ, thi hành án dân sự, hòa giải cơ sở, dân chủ cơ sở… đã được chuyển tải đến đồng bào DTTS trên địa bàn thông qua những câu chuyện thực tế. Nhiều vướng mắc về pháp luật của bà con cũng được đội ngũ cán bộ của tỉnh, xã giải đáp, làm rõ.

Còn tại huyện Bình Liêu, địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 94% dân số, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nhằm nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được chú trọng. Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Bình Liêu đã đưa ra xét xử công khai vụ án cướp tài sản xảy ra trên địa bàn huyện. Đối tượng bị xét xử là Phùn Văn Tấn (SN 2005), Tằng Văn Trung (SN 2003), Tằng Phu Thềnh (SN 2004), đều sinh sống tại thôn Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu).

Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử và kiểm sát viên đã chủ động phổ biến các quy định của pháp luật hình sự, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn nguyên nhân, thủ đoạn phạm tội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Ngoài tuyên truyền trực tiếp, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật còn được triển khai với nhiều hình thức như: Thông qua báo chí; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình; tổ chức đối thoại chính sách, hội nghị trực tuyến; xây dựng chuyên mục phổ biến pháp luật trên cổng thông tin điện tử, website, mạng xã hội Facebook, Zalo…

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả về phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được các cơ quan, đơn vị duy trì, phát huy và xây dựng mới như: “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp giới thiệu việc làm cho ngư dân”, “Kể chuyện theo án”, “Phiên tòa giả định”… Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 185 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 388 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.455 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 9.128 hòa giải viên ở cơ sở, đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Ông Voòng A Tài - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân Sơn (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) cho biết: Các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, luôn lấy người dân làm chủ thể, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ và hình ảnh dễ hiểu, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc. Qua đó, đã truyền tải kịp thời những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của nhân dân.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, đến nay đã có trên 95% đồng bào DTTS được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đáng chú ý, trong 5 năm qua số đơn thư vượt cấp gần như không còn; số vụ việc hòa giải thành công ở cơ sở ngày một tăng, giữ gìn tình đoàn kết cộng đồng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đã và đang góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ; ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nguyễn Quý