Quản chặt kinh doanh lậu thuốc lá điện tử
Việc cấm thuốc lá điện tử đang được nhiều người kỳ vọng có thể bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Nhưng vấn đề nhiều người quan tâm hơn, đó là liệu sau khi nghị quyết có hiệu lực, công tác quản lý thị trường có đủ quyết liệt để ngăn chặn được hành vi buôn lậu thuốc lá điện tử?
Bắt đầu từ năm 2025, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trở thành hàng cấm, người có hành vi sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc lá điện tử sẽ bị xử phạt tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật. Đây thực sự là tin vui với cả các bậc phụ huynh và chuyên gia y tế. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các tổ chức, đơn vị liên quan suốt thời gian qua đã có kết quả.
Trên các diễn đàn, Bộ Y tế đã phải rất kiên trì, bền bỉ, nhất quán với đề xuất cấm thuốc lá điện tử. Bởi nếu thu được một đồng thuế liên quan từ thuốc lá điện tử, chúng ta phải mất tới 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe, và hệ lụy xã hội. Các chuyên gia y tế hy vọng việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe người dân, trước khi sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trước đó, trong khi Bộ Công thương đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá điện tử, Bộ Y tế cho rằng cần cấm nhập khẩu, mua bán mặt hàng này. Theo quan điểm của Bộ Y tế, việc sử dụng thuốc lá điện tử là trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ, không nên mở ra cho thử, thí điểm. Mai sau không dừng lại được thì ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân? Dẫu thế, một câu hỏi lớn cũng được đặt ra là công tác quản lý thị trường được thực thi ra sao, cũng như việc xử phạt vi phạm buôn bán lậu thuốc lá điện tử sẽ được siết thế nào?
Những băn khoăn này hoàn toàn có cơ sở khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Mới đây nhất, nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 47 ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… nhưng việc mua bán thuốc lá điện tử vẫn diễn ra. Các phân tích cũng đã cho thấy, lợi nhuận mà thuốc lá điện tử đem lại quá lớn nên với quy định như hiện nay, nhiều người vẫn sẵn sàng nộp phạt để được tiếp tục kinh doanh, khó mà triệt để.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, theo nguồn tài liệu mở, mỗi năm, trung bình thuốc lá nhập lậu gây thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Còn đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho hay, hiện hoạt động vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như: Trang thiết bị, phương tiện chống buôn lậu ở biên giới và nội địa còn thiếu, thiếu nhân sự về nghiệp vụ thương mại điện tử để phát hiện kịp thời các vụ việc buôn lậu; các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa thống nhất, chưa kịp thời. Dẫn đến việc nhiều nội dung chưa rõ ràng, khiến lực lượng chức năng gặp lúng túng trong việc xử lý…
Trong khi chờ những giải pháp căn cơ, thì những khoảng trống về pháp lý rõ ràng cần phải được sớm hoàn thiện, lấp đầy. Theo đó, việc hình sự hóa hành vi buôn bán và sử dụng trái phép thuốc lá điện tử cần nghiên cứu, cân nhắc để tạo hiệu quả răn đe cho mặt hàng này trong thời điểm hiện tại. Khi hình sự hóa hành vi buôn bán trái phép thuốc lá điện tử thì chắc chắn tình trạng buôn bán mặt hàng này sẽ giảm đi; khi quy định khung hình phạt cụ thể thì lực lượng chức năng cũng sẽ có cơ sở để xử lý vi phạm.