Ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu
Về cơ bản, Việt Nam hiện làm chủ được các kỹ thuật liên quan đến tế bào gốc, kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu và bệnh lý huyết học. Công tác truyền máu đã có những bước đột phá, mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Tiến bộ vượt bậc
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, chuyên ngành huyết học - truyền máu của Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế về việc ứng dụng những kỹ thuật, phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý huyết học cũng như công tác đảm bảo an toàn truyền máu.
Cụ thể, lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tiếp tục phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, đem đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Riêng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép. Đồng thời, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng. Năm 2014, Viện là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.
PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu cho biết, sau 12 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ác tính, 125 bệnh nhân tại trung tâm đã được điều trị bằng phương pháp này, với tỷ lệ thành công cao.
Đến nay, các phương pháp ghép hiện đại nhất trên thế giới đều được áp dụng tại trung tâm, bao gồm ghép 2 lần liên tiếp, ghép đồng loại, ghép tự thân… Nhiều bệnh nhân được ghép đã trở lại cuộc sống bình thường với chất lượng tốt, học tập, làm việc bình thường. Nhiều bệnh nhân được ghép tế bào gốc từ những ngày đầu trung tâm triển khai đến nay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Ghép tế bào gốc trong nước không chỉ là phương pháp điều trị, mà giúp người bệnh Việt Nam được điều trị bằng kỹ thuật cao, với chi phí thấp. Có bệnh nhân ghép tế bào gốc chỉ chi trả 41 triệu đồng, sau khi đã được bảo hiểm y tế thanh toán. Chi phí thấp khiến nhiều người bệnh bất ngờ. Trong khi đó, giá thành tại nước ngoài hiện từ 2,5 - 6 tỉ đồng/ca, tùy quốc gia.
Tập trung vào kỹ thuật mới
Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Huế đã điều trị thành công hai ca ghép tủy đồng loại đầu tiên trên bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là một bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại, đánh dấu thành công quan trọng trong việc điều trị bệnh lý này. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho những trẻ em mắc bệnh di truyền và hiểm nghèo.
GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh tan máu bẩm sinh là một bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Với các trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn cho trẻ, giúp bệnh nhi có thể sống khỏe mạnh mà không cần truyền máu.
Thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên, năng lực của chuyên khoa Huyết học – Truyền máu trên cả nước ngày càng được nâng cao. Lĩnh vực truyền máu đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị. Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt trên 97%. Trong đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã chủ động, tích cực và sáng tạo trong xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: “Trong 30 năm hình thành và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện nước ta (1994 - 2024), lượng máu tiếp nhận được tăng đều qua các năm. Kể từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Chúng ta cũng đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động Hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu và đặc biệt là công tác điều phối máu giữa các địa phương”.
Theo ông Đỗ Trung Hưng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong những năm vừa qua, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc cả về chất và lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chuyên ngành Huyết học - Truyền máu. Nhiều nghiên cứu, tiến bộ của khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong công tác điều trị.
Trong thời gian tới, ngành huyết học - truyền máu sẽ tập trung vào các kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang phát triển như: Ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào như liệu pháp CAR-T, điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới. Đây là những phương pháp điều trị chính xác, hiệu quả hơn nhiều so với trước kia, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và chữa khỏi bệnh trong một số trường hợp.