Những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo ở Cà Mau
Những năm qua tỉnh Cà Mau đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ những nguồn lực được hỗ trợ đã tạo đà giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, vươn lên ổn định cuộc sống…Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm tối thiểu 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1% .
Những kết quả ấn tượng
Trong những năm qua công tác giảm nghèo bền vững tại Cà Mau luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương, với nỗ lực đưa ra các giải pháp thiết thực và phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương. Chương trình này không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ các hộ nghèo vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn nhằm hỗ trợ họ tạo dựng sinh kế bền vững và tăng cường khả năng tự lực, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
Điển hình như U Minh là huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao, tuy nhiên, thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Nếu năm 2023, huyện có 1.238 hộ nghèo thì năm 2024 còn 723 hộ - tương đương tỷ lệ hộ nghèo chiếm 2,7% tổng các hộ gia đình trong huyện. Còn tính đến thời điểm cuối năm 2024 này, 16 ấp đã xóa trắng hộ nghèo và toàn huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo.
Hệ thống điện được đầu tư cơ bản đồng bộ, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 99,7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 57 triệu đồng/người/năm. Huyện đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm trên 57% tổng số xã.
Để đạt được kết quả đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, trong đó có việc xây nhà mới thay thế nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin); xây dựng mô hình xóm, tuyến, khu dân cư không có hộ nghèo, ấp không có hội viên Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn viên là hộ nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo, đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ.
Hay như tại huyện Trần Văn Thời, mô hình "ấp, khóm, xã, thị trấn không còn hộ nghèo" do MTTQ huyện thực hiện mang lại hiệu quả tích cực. Cứ vào ngày thứ năm hằng tuần và ngày cuối tháng, MTTQ phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đến từng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thăm hỏi, động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tăng thu nhập. Nhờ đó, 6 năm liên tục, huyện Trần Văn Thời không còn gia đình chính sách và người có công là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân dân trong huyện thực hiện có hiệu quả các mô hình đa canh (lúa-cá; lúa-màu-chăn nuôi…), góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt hơn 57 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với thời điểm năm 2020. Theo đó, 6 năm liên tục, huyện Trần Văn Thời không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện gia đình chính sách và người có công. Xã Khánh Lộc 3 năm liên tục không còn hộ nghèo và năm 2023 không còn hộ cận nghèo. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,32%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của tỉnh và cả nước.
Tại thị trấn Năm Căn, nơi tập trung đông dân cư, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất sản xuất và có nhu cầu lớn về nhà ở. Ðể giúp người dân thoát nghèo bền vững, địa phương ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, đồng thời thường xuyên mở các lớp dạy nghề, truyền nghề và hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư kinh doanh, mua bán. Nhờ đó, tính đến đầu năm 2024, toàn huyện còn 239 hộ nghèo, chiếm 1,52% và 393 hộ cận nghèo, chiếm 2,5%. Huyện phấn đấu đến cuối năm hộ nghèo giảm còn 1,04%, hộ cận nghèo giảm còn 2,02%. Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, qua rà soát sơ bộ từ các xã, thị trấn, đến thời điểm này công tác giảm nghèo của huyện đã đạt theo kế hoạch đề ra”.
Vai trò của MTTQ trong công tác hỗ trợ người nghèo
Một trong những điểm nhấn của MTTQ các cấp thời gian qua là công tác giảm nghèo. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện sâu rộng và đạt kết quả thiết thực. MTTQ phối hợp các tổ chức thành viên đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống; phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; tiếp nhận, quản lý, đề xuất phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ chương trình đảm bảo kịp thời, hiệu quả; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, bàn giao nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình theo đúng quy định của pháp luật.
5 năm qua, MTTQ các cấp đã hỗ trợ 13.722 hộ thoát nghèo, đạt 71,15% tổng số hộ đăng ký và có 170/883 ấp, khóm và 5/101 xã, phường, thị trấn không còn hộ nghèo. Từ đó, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm bình quân 0,8%, đến nay còn 1,6%. Ðồng thời, MTTQ các cấp đã vận động trên 434 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, cầu giao thông nông thôn, tặng quà, học bổng, thăm hỏi, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do thiên tai, sự cố...
Các hoạt động vận động quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội tiếp tục duy trì thường xuyên, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Theo ông Lê Thanh Triều -Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau: Sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương đã được phát huy tốt. Cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, thể hiện trách nhiệm cao; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ người công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến liên hệ, gặp gỡ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để vận động nguồn kinh phí hỗ trợ đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh; vận động người thân, gia đình, dòng họ của các hộ nghèo hỗ trợ về vật chất, nguyên vật liệu, ngày công lao động để chung tay cùng chính quyền địa phương đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và chất lượng công trình, kịp thời bàn giao nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương.
UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu đến tháng 8/2025, hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở đối với các đối tượng đủ kiều kiện về đất ở: Nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo đề án, tổng số lượng xóa nhà tạm, nhà dột nát là 4.400 căn. Trong đó, xây mới 3.463 căn, sửa chữa 937 căn.