Tinh hoa Việt

Du lịch âm nhạc: Cơ hội mới cho du lịch Việt

ANH THƯ 06/12/2024 16:02

Thời gian vừa qua, những concert, liveshow diễn ra ngày một nhiều tại Việt Nam đã làm nổi lên xu hướng du lịch âm nhạc (music tourism), thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước, đặc biệt là các bạn trẻ.

6(3).jpg
Concert Anh trai vượt ngàn chông gai thu hút khoảng 20.000 người xem. Ảnh: Yeah1.

Từ show diễn của các nghệ sĩ quốc tế…

Xu hướng này bắt đầu trở nên ngày càng mạnh mẽ khi có nhiều ngôi sao nước ngoài như Charlie Puth, Westlife, Blackpink, Maroon 5… lựa chọn Việt Nam là một điểm đến trong tour diễn vòng quanh thế giới của họ. Những đêm diễn tại Việt Nam của các nghệ sĩ quốc tế kể trên đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của các địa phương khi không chỉ có được sự quan tâm, ủng hộ của người trẻ trong nước mà còn có thể thu hút du khách trong khu vực đến tham dự chương trình của thần tượng.

Giải pháp cần toàn diện và căn cơ
Những buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng thu hút đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của những người hâm mộ. Đó chính là cơ hội để những điểm đến có khả năng thu hút và phát triển loại hình du lịch âm nhạc này. Để nắm bắt cơ hội phát triển ngành du lịch âm nhac, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức các sự kiện âm nhạc gắn với phát triển du lịch. Từ nhận thức đúng đắn và đầy đủ này sẽ hình thành nên chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp và cá nhân vào phát triển du lịch âm nhạc cũng như các hình thức hỗ trợ về pháp lý, giảm thuế cho các hoạt động liên quan đến tổ chức sự kiện âm nhạc
Bàn về giải pháp, chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng, cần tiếp tục đầu tư mạnh vào việc phát triển nội dung. Điều cơ bản nhất là phải đảm bảo được chất lượng tốt nhất cho show diễn. Đồng thời, cần tận dụng tối đa sức mạnh của truyền thông đa nền tảng trong một hành trình dài hơi, từ trước, trong và sau khi concert diễn ra. Các nền tảng truyền thông xã hội, ứng dụng di động, và những công nghệ tương tác mới có thể được áp dụng để mở rộng trải nghiệm khán giả, tăng thêm giá trị và tính cuốn hút của các sự kiện âm nhạc, từ đó, nhân cơ hội quảng bá các điểm đến du lịch.
Ngoài ra, cần nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho ngành biểu diễn, trong đó, quan trọng nhất là đầu tư vào hạ tầng các địa điểm tổ chức lớn nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các show diễn hiện đại trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng cần đầu tư hạ tầng các khách sạn, nhà hàng, giao thông thuận tiện, phù hợp với nhu cầu của du khách tham gia các sự kiện âm nhạc.

Đơn cử như 2 đêm nhạc “Born Pink” tại Hà Nội thuộc của nhóm nhạc Blackpink (tháng 7/2023), theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, chỉ trong 2 ngày diễn ra sự kiện, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội khoảng hơn 170.000 lượt với tổng doanh thu du lịch hơn 600 tỷ đồng, số lượng vé máy bay đến Hà Nội thời điểm đó tăng gấp 10 lần, số lượng khách đặt phòng tăng mạnh gấp 2-3 lần. Còn theo ghi nhận của nền tảng Traveloka, lượng khách đến Hà Nội trong khoảng thời gian đó không chỉ đến từ các tỉnh thành trong nước mà còn đến từ khắp châu Á.

Hay như nhạc hội “8 Wonder Winter Festival” của nhóm nhạc Maroon 5 tại Phú Quốc (tháng 12/2023), nền tảng này cũng ghi nhận lượng tìm kiếm chuyến bay đến Phú Quốc trong giai đoạn bán vé concert Maroon 5 tăng gấp 10 lần so với tháng trước, số lượt check in khách sạn ở Phú Quốc trong thời gian diễn ra concert cũng tăng hơn hai lần so với tuần trước.

Các buổi biểu diễn đã giúp quảng bá các điểm đến, kích cầu du lịch, từ đó, đem về những nguồn lợi kinh tế cho các địa phương, từ tiêu dùng, may mặc, khách sạn, dịch vụ, nhà hàng. Đồng thời, thông qua việc là một trong những điểm đến trong những tour diễn quốc tế của các nghệ sĩ nổi tiếng, Việt Nam có cơ hội để quảng bá được hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến đêm diễn “The Music of ABBA” (tháng 10/2024) là sự kết hợp giữa văn hóa và âm nhạc. Nhóm nhạc Arrival đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc khó quên khi vừa có thể được đắm mình trong những giai điệu bất hủ, vừa khám phá một TP HCM rực rỡ, đầy màu sắc.

Những sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế đã thu hút lượng lớn người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự, đặc biệt giới trẻ, họ rất mạnh tay chi tiền để thưởng thức những buổi biểu diễn âm nhạc của thần tượng. Đồng thời, họ sẽ có thể cùng lúc khám phá những đặc sản, văn hóa địa phương, con người và trải nghiệm các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm... Từ đó, làm tăng số lượng du khách tới một điểm đến và thúc đẩy các dịch vụ du lịch ngày càng phát triển.

Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, tại nhiều nước, ngành du lịch âm nhạc đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần của nền du lịch và văn hóa, trong đó có thể đến các nước như Mỹ, Anh, Pháp… Nhìn trong khu vực, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã phát triển rất mạnh ngành công nghiệp văn hóa và khiến du lịch âm nhạc trở thành một trong những bộ phận quan trọng của ngành du lịch.

Trong đó có thể thấy, có hàng triệu người yêu nhạc đi khắp thế giới để tham dự các lễ hội âm nhạc nổi tiếng hàng năm như Glastonbury (Anh), Coachella (Mỹ), Tomorrowland (Bỉ), Afrochella (Ghana), Sunburn (Ấn Độ), Lễ hội nhạc Jazz Montreux (Thụy Sĩ), Lễ hội Mawazine (Bắc Phi) và Lễ hội âm nhạc điện tử Ultra (Florida, Mỹ)… Những lễ hội này có thể thu hút hàng trăm nghìn tới hàng triệu người yêu âm nhạc tham dự các đêm diễn. Ngoài ra, các nghệ sĩ quốc tế cũng rất thành công với những tour lưu diễn khu vực hay toàn cầu, với một lượng lớn fan hâm mộ tại các quốc gia, các khu vực tới dự đêm diễn. Trong đó, chuyến lưu diễn toàn cầu Eras Tour của ngôi sao nước Mỹ Taylor Swift là một minh chứng rõ ràng nhất, khi trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu về kỷ lục bán vé, quy mô và sức ảnh hưởng.

maylangthang-1.jpg

Tới những show diễn nội địa

Thời gian gần đây với sự nổi lên của các concert chất lượng từ 2 chương trình gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say Hi” cũng đã thu hút một lượng người xem không nhỏ đến từ các tỉnh thành trên cả nước. Theo công bố từ ban tổ chức, các buổi concert này đã thu hút khoảng 50.000 – 70.000 khán giả. Đây là một con số đáng ghi nhận đối với các concert trong nước.

Là một du khách đi từ Đà Nẵng để vào dự đêm diễn concert đầu tiên của gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai”, bạn Thảo Vi chia sẻ: “Mình thích các anh tài lắm, anh tài nào cũng đáng yêu, chiều fan hết cả. Hơn nữa, mình thấy các anh tài biểu diễn trong chương trình hay, cuốn mà “cháy” quá, nên nhất định muốn đến concert để được xem trực tiếp các anh “bùng nổ” trên sân khấu như thế nào. Nhân tiện đi chơi, thăm thú TP HCM luôn, mình chưa vào đây bao giờ”.

Theo anh Nam Hải (TP HCM), chủ một khách sạn gần Công viên bờ sông Sài Gòn, thời điểm diễn ra concert “Anh trai say Hi” khách sạn của anh cũng gần như “cháy” phòng, rất nhiều bạn trẻ từ các tỉnh thành lân cận cũng đến tham dự concert và thuê khách sạn để nghỉ qua đêm, thậm chí là vài ngày để tiện đi chơi, tham quan thành phố. Quán ăn của em trai anh ở gần đó cũng “đắt khách” hơn hẳn trong dịp này.

Tiềm năng còn rất lớn

Theo Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội Chu Anh Hùng, du lịch âm nhạc là việc kết hợp giữa thưởng thức sự kiện âm nhạc giải trí với tham quan, nghỉ dưỡng, từ đó giúp du khách thư giãn, nâng cao đời sống tinh thần. Với một nền văn hóa phong phú, đa dạng, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch âm nhạc thông qua việc kết hợp giữa âm nhạc và các yếu tố văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch âm nhạc độc đáo.

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch kết hợp với âm nhạc nhằm quảng bá các điểm du lịch. Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Khách sạn Việt Nam, phát biểu tại hội nghị đánh giá hoạt động du lịch TP Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024 và năm 2025, cho rằng việc đầu tư concert hứa hẹn sẽ tạo tiếng vang cho TP Đà Nẵng. Thời gian qua đã có không ít concert được tổ chức tại Đà Nẵng, thu hút một lượng lớn du khách, có thể kể đến như concert My Soul 1981 của ca sĩ Mỹ Tâm, chương trình âm nhạc THE NEXT Live Concert 2024 của thành phố, Tour lưu diễn “The Music of ABBA” của ban nhạc Thụy Điển Arrival, đêm nhạc Phạm Duy với chủ đề "Đường tình ta đi"…
Theo ông Quỳnh, Đà Nẵng nên đa dạng hóa các sản phẩm lễ hội, đàm phán để tổ chức thêm những concert lớn, của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, từ đó, gây tiếng vang cho thành phố và thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Đà Nẵng.

Từ những thực tế trên có thể thấy, du lịch âm nhạc đang dần trở thành một trong những hình thức du lịch có thể phát triển trong thời gian tới nhằm thu hút những du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những du khách trẻ, tới với các điểm đến của Việt Nam. Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, mô hình du lịch kết hợp với tham dự concert có tiềm năng lớn tại Việt Nam, bởi nó đánh trúng vào nhu cầu hiện tại của khán giả: sự kết nối giữa nghệ sĩ và người hâm mộ qua những màn biểu diễn công phu trên sân khấu, những câu chuyện hậu trường. Điều này không chỉ khiến show trở nên hấp dẫn mà còn tạo ra cảm xúc gắn bó, khiến khán giả cảm thấy mình là một phần của hành trình.

Mô hình này đã được áp dụng rất thành công ở các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, khi người trẻ sẵn sàng chi nhiều tiền để được hòa mình vào không khí cháy bỏng, đến gần thần tượng hơn và được nhìn tận mắt thần tượng của mình biểu diễn. Ngày nay, người trẻ ngày càng có điều kiện kinh tế hơn để chi tiêu cho những thú vui của mình. Đặc biệt là khi nền kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển, mức sống của người dân được nâng lên. Đây là “thời điểm vàng” để ngành công nghiệp biểu diễn trong nước nắm bắt cơ hội thâm nhập thị trường và phát triển mạnh mẽ hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, không chỉ các sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế, những chương trình lưu diễn của các ngôi sao âm nhạc tên tuổi trong nước như: Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Đen Vâu… hay các đêm diễn tại tụ điểm ca nhạc của Phan Mạnh Quỳnh, Trung Quân, Đức Phúc… cũng đã trở thành sản phẩm hút khách tại nhiều điểm đến.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch kết hợp âm nhạc, trong đó, nổi bật có thể kể đến Đà Lạt, với các liveshow quy mô nhỏ, bắt đầu từ mô hình Mây Lang Thang, được biểu diễn ngoài trời, trong không gian xinh đẹp của xứ hoa anh đào, với khoảng 500-1000 khán giả. Những khán giả đến xem show diễn có thể sử dụng các dịch vụ như ăn uống, nghỉ dưỡng, mua sắm, đồng thời trải nghiệm cảnh sắc, con người của điểm du lịch đó. Ngành du lịch Đà Lạt đã thống kê, mỗi buổi biểu diễn quy mô nhỏ của các ca sĩ luôn thu hút ít nhất 500-700 du khách, và con số này tăng gấp nhiều lần đối với những ca sĩ được nhiều khán giả mến mộ. Ví dụ hai đêm diễn của ca sĩ Hà Anh Tuấn đã thu hút khoảng 10.000 du khách đến với Đà Lạt.

Ngoài mô hình này, hiện nay, ở Việt Nam cũng có một số mô hình tương tự đang rất thành công và được tổ chức thường xuyên như Soul in the forest ở Flamingo Đại Lải resort, Hoa bay ở Tam Đảo, Thung lũng ngân nga ở Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái… Ngoài ra còn một số mô hình khác kết hợp đa dạng các thể loại du lịch như du lịch cắm trại kết hợp với âm nhạc… được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Những mô hình này, được các chuyên gia đánh giá là nhỏ xinh, rất phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân Việt Nam.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN: Phải có show diễn tốt mới có được sản phẩm du lịch âm nhạc

anh-long.jpg

Thực tế du lịch âm nhạc của Việt Nam thời gian trước chưa được truyền thông một cách mạnh mẽ, dẫn tới khó lan tỏa. Vài năm trở lại đây, xu hướng gắn sự kiện, lễ hội với du lịch dần trở nên quen thuộc và được quan tâm nhiều hơn, các sự kiện cũng được đầu tư nhiều hơn và thu hút lượng lớn người hâm mộ.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 khi có nghị quyết của Đảng coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc phát triển các hoạt động, sự kiện gắn với du lịch được quan tâm nhiều hơn. Theo sau là sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ truyền thông đã giúp quảng bá, lan tỏa thông tin giúp càng nhiều người tiếp cận được các sự kiện hơn, lượng người tham gia đông hơn. Các phương tiện truyền thông hiện tại không chỉ giới hạn ở các nền tảng chính thống như báo chí, truyền hình nữa mà còn mở rộng ra các apps, các trang mạng Internet, mạng xã hội.

Do đó, cần tận dụng các công cụ truyền thông này, song song với đó, cần sự hợp tác chặt chẽ, bài bản, có chiến lược giữa chính quyền địa phương, cơ quan quản lý điểm đến và nhà tổ chức sự kiện, để vừa thu hút du khách đến với sự kiện, vừa truyền thông mạnh mẽ đến khán giả về các điểm du lịch, dịch vụ, hoạt động để trải nghiệm để hiểu thêm về tự nhiên, về văn hóa của điểm đến. Một vấn đề cũng cần quan tâm là công tác về mặt quản lý điểm đến, như an ninh, an toàn trước, trong và sau sự kiện. Bởi khách du lịch đến từ các nơi đều rất quan tâm đến cái mức độ an ninh, an toàn của điểm đến đó. Cần tránh tình trạng tiêu cực như trộm cắp, cướp giật hay chặt chém.

Việc phát triển du lịch âm nhạc tại Việt Nam, còn cần quan tâm đến việc đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để chạy sự kiện, tổ chức các chương trình đáp ứng tiêu chuẩn cao của các ngôi sao quốc tế.

Nhân lực vẫn là quan trọng nhất, phải thực sự có đội ngũ chuyên nghiệp để tổ chức các chương trình. Khi có được những chương trình tốt thì mới thu hút được du khách.

ANH THƯ