Vụ Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long: Xuống giống sớm tránh hạn mặn
Nông dân các địa phương ven biển có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL đang khẩn trương gieo sạ vụ lúa Đông Xuân, tránh hạn mặn vào cuối vụ tới.
Xuống giống sớm
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa ở Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường, khoảng nửa cuối tháng 12/2024). Trước diễn biến thời tiết phức tạp, nông dân tại các tỉnh, thành ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu… đã chủ động ứng phó bằng nhiều biện pháp trước khi xuống giống vụ mới để giảm rủi ro.
Huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là địa phương ven biển, nằm trong vùng thủy lợi khép kín, thường xuyên bị ảnh hưởng nếu mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt cục bộ vào mùa khô. Từ 2 tuần nay, tranh thủ mực nước trên ruộng đang giảm nông dân khẩn trương xuống giống vụ lúa chính trong năm - vụ Đông Xuân với hi vọng được mùa trúng giá.
Ông Lâm Buôl ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) đã tranh thủ cải tạo 2ha đất để xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. “Các giống được bà con ưu tiên chọn là giống lúa đặc sản, chất lượng cao như nhóm lúa ST, OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8... Riêng tôi chọn giống Đài Thơm 8 vì phù hợp với thời tiết, hạn chế dịch bệnh” - ông Buôl nói.
Trong khi đó, các cánh đồng ở huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) lúa đã hơn 1 tháng. Nông dân nơi đây đang tích cực ra đồng theo dõi diễn biến của thời tiết, sâu, bệnh hại nhằm có giải pháp phòng, ngừa kịp thời. Ông Nguyễn Văn Phúc, xã Lâm Tân (huyện Thạnh Trị) cho biết, những năm gần đây bà con đều chủ động gieo sạ sớm vụ lúa Đông Xuân nhằm né hạn, tránh mặn, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa, đem lại giá bán cao. “Việc xuống giống vụ Đông Xuân trễ rất dễ bị ảnh hưởng của nước mặn làm giảm năng suất lúa. Rút kinh nghiệm nên tôi sạ sớm hơn gần 1 tháng so cùng kỳ những năm trước. Lúa thu hoạch trước Tết Nguyên đán vừa né được mặn vừa có thu nhập để chuẩn bị ăn Tết” - ông Phúc nói.
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị Lê Thanh Chúc cho hay, vụ lúa Đông Xuân năm nay địa phương xuống giống hơn 31.500 ha, được chia làm 3 đợt. Để đảm bảo đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NNPTNT xây dựng lịch thời vụ sản xuất vụ Đông Xuân gồm: vụ sớm gieo sạ từ 10/9 - 15/10/2024, vụ chính vụ gieo sạ từ đầu tháng 11 đến giữa 12/2024, vụ muộn gieo sạ dứt điểm 25/1/2025. Theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng sản xuất 169.000ha, đến nay đã gieo sạ trên 100.000 ha, đạt trên 60% kế hoạch sản xuất.
Né rầy, né hạn mặn
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, mùa mưa có khả năng kéo dài trên địa bàn tỉnh, tình trạng ngập úng sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất ở đầu vụ lúa Đông Xuân tại một số khu vực. Để tránh thiệt hại do sâu, bệnh và các yếu tố thời tiết gây bất lợi đến sản xuất, Sở thông báo lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025 sẽ chia làm 3 đợt. Phòng NNPTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố xây dựng lịch xuống giống riêng cho đơn vị phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương theo nguyên tắc “né rầy, né hạn mặn”.
Ông Trương Phước Hiền - Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, để chủ động ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập và dịch hại có thể ảnh hưởng đến diện tích lúa Đông Xuân, địa phương đã xây dựng lịch xuống giống sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Địa phương còn chủ động tuyên truyền nông dân gia cố đê bao chắc chắn để chủ động bơm trữ nước ngọt khi có mặn xâm nhập. Cùng đó, ngành chức năng đã tiến hành nạo vét hệ thống kênh thủy lợi nội đồng nhằm khơi thông dòng chảy, chủ động bơm tát ứng phó với mặn xâm nhập.
Vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, Bạc Liêu có kế hoạch xuống giống 45.000ha. Theo đó, ngành Nông nghiệp các địa phương đã bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của tỉnh kết hợp với biện pháp “xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng”, chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen.
“Các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện giải pháp gieo sạ tập trung, không để xảy ra tình trạng nhiều trà lúa trong cùng một cánh đồng. Quan tâm thực hiện làm phẳng mặt ruộng kết hợp với đánh rãnh để chủ động áp dụng giải pháp ngập khô xen kẽ và phòng chống rầy nâu, ốc bươu vàng hiệu quả. Ðặc biệt trong tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, nông dân và ngành Nông nghiệp các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời các thông tin dự báo mưa, bão, lũ và các khuyến cáo của ngành chức năng để chủ động sản xuất và phòng tránh thiệt hại cho lúa Đông Xuân” - ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu khuyến cáo.