Làng đào, quất Hà Nội: Tất bật chuẩn bị Tết
Gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời điểm này, các nhà vườn trồng đào, quất ở phường Nhật Tân và Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật các công đoạn chăm sóc cuối cùng để đào, quất kịp xuống phố đón Xuân. Vừa trải qua sự càn quét của cơn bão số 3 (Yagi), đào Nhật Tân, quất Tứ Liên liệu có rực rỡ khoe sắc?
Siêu bão Yagi kèm mưa lớn ở miền Bắc hồi tháng 9 đã gây thiệt hại nặng nề, nhiều vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên đã bị cày nát, nhiều nhà vườn trắng tay. Nhiều gia đình phải chứng kiến cảnh nước lũ nhấn chìm hàng trăm cây đào, quất đang chuẩn bị vào mùa cao điểm cuối năm. Sau 2 tháng, kể từ khi trận lũ lịch sử qua đi, ở những vườn đào, quất còn trụ lại trong trận cuồng phong, sắc xanh đã hồi sinh.
Sắc hồng trở lại những vườn đào
Làng đào Nhật Tân (thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng đào lâu đời. Đến với vườn đào Nhật Tân những ngày này có thể cảm nhận được không khí bận rộn của người dân trồng đào. Những cây đào đang ở thời điểm tuốt lá, đào thế thì chuẩn bị được đưa lên chậu...
Ông Trần Văn Đô (54 tuổi, ở phường Nhật Tân) - người có hơn 30 năm trồng đào cho biết, vườn đào 300 cây của gia đình ông đã bị cơn bão số 3 quét qua, khiến 30% vườn đào bị ảnh hưởng. Hiện ông đang tính toán thời điểm thích hợp tuốt lá để đảm bảo hoa ra đúng thời gian, đều và đẹp. Ông Đô cũng cho rằng, giá đào năm nay sẽ nhỉnh hơn mọi năm một chút và không quá cao như mọi người lo ngại. Cũng do ảnh hưởng của bão, chất lượng đào sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng hơn so với mọi năm.
Cách vườn đào nhà ông Đô không xa là vườn đào gia đình ông Lê Huy Dương (51 tuổi, ở phường Nhật Tân). Ông Dương cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng đào ở Nhật Tân. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vườn đào của gia đình ông bị thiệt hại khoảng 50%. “Ở Nhật Tân có 3 đậy đào (khu vực), đậy thấp nhất ngập nước bị thiệt hại nặng nhất. Ở đây mỗi nhà được chia 1 suất từ đậy cao nhất, đến đậy thấp nhất. Nhà nào cũng được cao, được thấp, chia đều theo bậc thang, vì thế bên cạnh số đào bị thiệt hại do ngập nước thì vẫn có đào đẹp, đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết, thị trường sẽ không đến mức khan hiếm” - ông Dương chia sẻ.
Là một trong những vườn đào lớn nhất nhì ở Nhật Tân - vườn đào Hiệp Vụ của anh Nguyễn Quang Vụ (48 tuổi, ở phường Nhật Tân), mọi người cũng đang tất bật mỗi người một việc. Theo anh Vụ, dịp này gia đình anh phải thuê hàng chục nhân công để chuyển gốc đào lên chậu chuẩn bị cho đợt tuốt lá. Cùng với đó là chăm sóc, phục hồi lại những gốc đào ở khu vực vườn đào bị ảnh hưởng do ngập nước nên công việc bận hơn so với mọi năm. Cũng giống như chủ một số vườn đào, anh Vụ dự báo giá đào năm nay sẽ nhỉnh hơn so với mọi năm một chút nhưng sẽ không đội giá như mọi người vẫn đồn đoán, lo ngại sau trận bão, lụt vừa qua.
Ông Trần Tuấn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân, đồng thời là chủ vườn đào Tuấn Việt cho biết, với vườn đào rộng 2 mẫu, ông phải thuê khoảng 20 nhân công mỗi ngày để tuốt lá, đôn đào lên chậu... Mặc dù bị thiệt hại đáng kể nhưng vườn đào Tuấn Việt vẫn còn đào để phục vụ khách chơi Tết.
“Làm nông dân phải chấp nhận những rủi ro thời tiết. Mặc dù đã chuẩn bị phòng chống rất cẩn thận, tuy nhiên, cơn bão Yagi quá mạnh, gây thiệt hại nặng nề cho người trồng đào Nhật Tân. Phải đến giữa tháng 12 mới biết lượng đào thừa, thiếu thế nào. Nhưng chắc chắn đào bán ra thị trường năm nay ít hơn mọi năm, nên các nhà vườn liên kết với nhau chọn những cây đào đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của khách” - ông Việt cho hay.
Quất Tứ Liên năm nay thế nào?
Cách vườn đào Nhật Tân không xa là làng trồng quất Tứ Liên (thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ), nằm dọc theo tuyến đê sông Hồng. Chính vì vậy mà khi đào Nhật Tân bị ảnh hưởng do ngập nước thì vườn quất Tứ Liên cũng chịu chung cảnh ngộ.
Theo chia sẻ của một số người dân trồng quất ở Tứ Liên, nghề trồng quất cũng vất vả như trồng đào, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp. Hiện các vườn đang trong công đoạn cuối cùng để quất có thể chín vàng đúng Tết. Đối với những cây quất bonsai, do trồng trong chậu nên đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn.
Mặc dù đã gần 12 giờ trưa nhưng vườn quất của gia đình ông Hoàng Văn Hiếu (55 tuổi, ở phường Tứ Liên) vẫn có người tìm đến để tham quan cũng như lựa chọn những cây quất đẹp để đặt hàng cho Tết. Ông Hiếu cho biết, sau trận bão, vườn quất bị thiệt hại nhưng không đáng kể. Những cây bị ảnh hưởng không chơi được năm nay nhưng sẽ phục hồi, chăm bẵm để chơi cho năm sau. Những gia đình trồng quất ở vùng thấp thì hầu như hỏng nhiều. Tỷ lệ cứu được khoảng 20%.
Gần đó là vườn quất của gia đình ông Vũ Son. Ông Son cho biết, khi bão số 3 qua đi, thời điểm nước dâng, gia đình ông đã phải tập trung nhân lực để chạy cây lên vùng an toàn. Vì vậy vườn quất 500 cây của gia đình ông không bị ảnh hưởng nhiều. Đến nay, các lái buôn đã đến đặt gần hết.
Bà Ngô Thị Ngà - Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh truyền thống phường Tứ Liên cho biết, gia đình bà có khoảng hơn 300 cây quất đều chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ. “Khi nước lên tôi chỉ chạy được 50 cây quất con lên cao, còn lại bị hỏng hết. Quất Tứ Liên năm nay số lượng kém hơn so với mọi năm vì nhiều nhà bị mất trắng. Mặc dù chất lượng cây không được như mọi năm nhưng người bán sẽ không dựa vào đó để đẩy giá bởi cái tên đã nói lên thương hiệu của làng rồi” - bà Ngà nói.
Không chỉ tại 2 vùng trồng đào Nhật Tân và quất Tứ Liên của Hà Nội, mà ở nhiều tỉnh thành khác, những người trồng cây đào và quất đang nỗ lực chăm sóc cây cẩn thận, tỉ mỉ hơn bao giờ hết. Họ dành thời gian vào việc gò thế, tỉa lá và tạo dáng để cây trở nên đẹp mắt, sẵn sàng cung ứng cho thị trường.
Với người trồng đào ở phường Phú Thượng (sát phường Nhật Tân), UBND quận Tây Hồ cũng khuyến khích người dân dọn dẹp, cải tạo đất canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại hoa ngắn ngày như hoa cúc, violiet, thược dược... để bán vụ Tết. Còn ở phường Tứ Liên và khu vực bãi giữa sông Hồng chuyển sang trồng các loại rau màu.
Bình ổn giá đào, quất để phục vụ người dân
Ông Trần Gia Hùng - Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, quận có 2 làng hoa truyền thống là đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên. Sau cơn bão số 3 vừa qua, nước dâng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực trồng đào và trồng quất. Theo thống kê, tổng diện tích trồng đào và quất là 218ha, thiệt hại khoảng 179ha, trong đó diện tích đào bị thiệt hại 65,5ha, quất là 27,5ha.
Năm nay là một năm mà lượng đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên cung cấp ra thị trường sẽ bị hạn chế hơn so với các mùa Tết trước. Chúng tôi động viên bà con những cây đào, quất còn cứu được thì phục hồi tối đa để có thể đưa ra thị trường. Tuy nhiên theo đánh giá nguồn cung sẽ bị hạn chế hơn. Quận Tây Hồ vận động bà con và Hội làng nghề cam kết không có việc tăng giá đột biến, không nâng giá để tạo ra sự khan hiếm, sẽ giữ ở mức giá bình ổn nhất để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Làng hoa Tây Tựu, Mê Linh vào vụ Tết
Tương tự như làng đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên, những ngày này, người dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), người dân làng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng tất bật từ sáng sớm đến khuya để chăm sóc và cắt tỉa cho những cây hoa, nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nhiều tới các làng trồng hoa này, khiến bà con cũng đang gắng gượng chuẩn bị cho mùa hoa Tết sắp tới. Tại làng Tây Tựu, để hoa nở đúng vào dịp Tết, bà con trồng hoa tất bật chong đèn xuyên đêm để hoa kịp thời phát triển.