Hướng tiếp cận mới phòng ngừa đột quỵ
Toạ đàm “Khoa học vì cuộc sống: Những đổi mới trong chăm sóc sức khoẻ tim mạch và điều trị đột quỵ”, trong Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 đã quy tụ các nhà khoa học, bác sĩ và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia như Australia, New Zealand, Việt Nam để thảo luận về các giải pháp mới trong điều trị bệnh tim mạch và đột quỵ - hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
GS Alta Schutte - Đại học New South Wales và Viện Sức khỏe Toàn cầu George (Úc), Thành viên Hội đồng Sơ khảo VinFuture cho biết, hướng tới mục tiêu phòng tránh đột quỵ và xây dựng quy trình, kiểm soát huyết áp là câu hỏi mang tính gốc rễ liên quan đến đột quỵ. Trên thực tế, tỷ lệ đã thống kê cho thấy, hơn 70% trường hợp đột quỵ là liên quan đến huyết áp. Do đó, phải kiểm soát nhất là tình trạng huyết áp tăng.
Theo GS Schutte, rối loạn chức năng thận hay bệnh lý khác cũng liên quan đến tăng huyết áp. Năm 2019, có hơn 200 quốc gia trên thế giới xác định, huyết áp cao cấp độ 2 là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong. Do đó, cần chú ý tới người bệnh tăng huyết áp mà không được kiểm soát, không dùng thuốc.
GS Alta Schutte cho hay, gần đây các nhà khoa học đã đưa ra một số công nghệ ấn tượng trong điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa đột quỵ như việc có thể sử dụng thuốc phối hợp liều thấp, nghĩa là kết hợp nhiều loại thuốc trong một viên giúp cải thiện tính tiện lợi và tăng hiệu quả điều trị.
Trong khi đó, GS Valery Feigin - Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) dẫn chứng, 10 năm gần đây, tỷ lệ mắc mới và hiện mắc đột quỵ tăng trở lại. Nhiều người tàn tật hoặc tử vong do đột quỵ và tăng 89% trong 30 năm. Gánh nặng lớn nhất ở nước thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam cũng nằm trong khu vực này. Ở Việt Nam, hàng năm, có 200.000 người bị đột quỵ, nguyên nhân gây tử vong cao, là một gánh nặng lớn và tình trạng này đang tăng nhanh.
Theo GS Feigin, New Zealand đã phát triển phần mềm có thể tính toán nguy cơ đột quỵ, tăng nhận thức và thay đổi hành vi người bệnh, đó là ứng dụng Stroke Riskometer - công cụ giúp người dùng đánh giá nguy cơ đột quỵ cá nhân dựa trên các yếu tố như huyết áp, hành vi và môi trường sống.
GS Valery Feigin cho biết, thử nghiệm lâm sàng tại New Zealand đã chứng minh hiệu quả của công cụ này trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Sau 6 - 9 tháng áp dụng cùng với việc thay đổi lối sống, tỉ lệ mắc mới đột quỵ trong cộng đồng giảm từ 40 - 50%. “Chiến lược tốt nhất là phòng ngừa thông qua thay đổi lối sống” - GS Feigin nhấn mạnh.
Tại cuộc tọa đàm, PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, tỉ lệ đột quỵ ở Việt Nam rất cao, hơn 2.000 ca mới mỗi năm và tỉ lệ tử vong trong 90 ngày là 10%. Việt Nam có 3 vấn đề liên quan là tỉ lệ cao, tử vong cao, trẻ hóa tuổi mắc bệnh. Do đó, trong thời gian tới cần có kế hoạch mạnh hơn, tập trung vào phòng ngừa trước, đưa phương pháp mới vào điều trị ở bệnh viện. Cụ thể, trong 5 năm tới cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng, cải tiến phác đồ điều trị và tăng cường phối hợp giữa các chuyên ngành.
Đề cập đến những giải pháp có thể áp dụng nhằm thay đổi hướng đi trong chăm sóc tim mạch tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang - Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đã có nhiều biện pháp điều trị mới như dùng trí tuệ nhân tạo (AI), thay đổi công nghệ mới để điều trị bệnh lý tim; can thiệp nhịp, mạch cũng như có nhiều thuốc mới cho bệnh huyết áp… đã giúp tăng tuổi thọ bệnh nhân lên ít nhất 6 năm.
Tùy vấn đề tim mạch đến xu thế đa chuyên ngành, cần tiếp cận và điều trị toàn diện, không chỉ can thiệp bệnh nhân, mà còn bối cảnh gia đình, đa chuyên ngành… “Gánh nặng bệnh tim mạch là vấn đề mang tính toàn cầu và cần được giải quyết một cách toàn diện. Vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong việc triển khai các công nghệ tim mạch tiên tiến so với ứng dụng thực tế của công nghệ tim mạch trong chăm sóc hàng ngày. Các nhà khoa học Việt Nam có nhiều cơ hội cải thiện các phương pháp trong chăm sóc tim mạch đồng thời tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho nền y học tim mạch quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.