Giáo dục

Trường học hạnh phúc cần đi vào chiều sâu

Hàn Minh 07/12/2024 11:34

Học tập ở trường học hạnh phúc không phải là học ít hơn, mà là học trong sự thích thú, sáng tạo, hạnh phúc. Do đó, theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời công cuộc đổi mới giáo dục.

duoi(1).jpg
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) tham gia tranh biện. Ảnh: NTCC.

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện trường học hạnh phúc vừa tổ chức, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM cho biết, cho đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã triển khai xây dựng trường học hạnh phúc, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện được kết quả học tập của học sinh. Trong đó, bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc có 18 tiêu chí, được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường giáo dục.

Một cách làm hay được bà Lê Trà Mi – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS THPT Tân Phú (quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ là trường đã thành lập nhiều ban, với nhiều nhiệm vụ khác nhau để xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là ban môi trường, sức khỏe, an toàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập, làm việc an toàn, lành mạnh cho học sinh. Ban bảo vệ trẻ em sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi thông tin liên quan đến quyền bảo vệ trẻ em, các hành vi có thể gây xâm hại đến học sinh. Ban 5S (sẵn sàng, săn sóc, sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ) giúp tạo ra không gian học tập, làm việc thật sạch sẽ, ngăn nắp và hiệu quả và ban an toàn thực phẩm. Song song đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phát triển môi trường học tập tràn ngập yêu thương với việc thầy cô dạy học theo phương pháp tích cực, có chuyên viên tâm lý luôn lắng nghe học sinh nói.

Ghi nhận tại nhiều ngôi trường khác trên cả nước cũng đã và đang tích cực thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc để học sinh, giáo viên, mỗi cán bộ nhân viên trong nhà trường đều được tận hướng niềm vui mỗi ngày. Tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) hàng năm đều tổ chức hai đợt khảo sát ý kiến của các em học sinh về các mặt lối sống, tác phong, đạo đức, phương pháp giảng dạy, thái độ làm việc của các thầy cô giáo, bao gồm cả các thành viên Ban giám hiệu. Không chỉ nhắc nhở nhau nỗ lực hết mình trong mỗi bài giảng, giữ gìn lời nói, tác phong, mỗi thầy cô giáo của trường luôn quan tâm, thấu hiểu đến từng học sinh. Nhiều thầy cô thậm chí đã tỉ mỉ ghi chép gia cảnh, điểm mạnh, yếu của từng học trò ra cuốn sổ riêng để có biện pháp ứng xử phù hợp với từng em, phối hợp với gia đình sát sao nhất để giải quyết những sự việc xảy ra kịp thời. Cảm giác được tôn trọng, được thấu hiểu, quan tâm là điều mà mỗi học sinh của ngôi trường này cảm nhận được nên các em cũng luôn coi đây là một ngôi nhà thứ 2 của mình.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá việc xây dựng và thực hiện mô hình trường học hạnh phúc đã tạo nên những chuyển biến tích cực, không chỉ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn lan tỏa mạnh mẽ tới học sinh và phụ huynh.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chỉ ra một môi trường giáo dục lý tưởng là ở đó thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, đảm bảo đủ ba tiêu chí “An toàn - Yêu thương - Tôn trọng”. Trong đó, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh hạnh phúc của học trò không phải tìm kiếm đâu xa, nó được xây dựng từ chính bàn tay của đội ngũ giáo viên trong trường. Các thầy cô giáo cần phải có kiến thức có kinh nghiệm trong ứng xử với học trò, xây dựng môi trường giảng dạy thân thiện, không có khoảng cách quá xa so với học trò.

Song song với đổi mới chương trình giảng dạy, đổi mới sách giáo khoa… việc xây dựng một môi trường học tập thuận lợi, mẫu mực theo hướng không có bạo hành, không quá nặng áp lực thành tích… chính là góp phần quan trọng để hiện thực hóa phương châm “Học để làm người” của ngành giáo dục.

Hàn Minh