Thị trường quà Tết: Đặc sản vùng miền lên ngôi
Mùa mua sắm cao điểm Tết, hầu hết đơn vị sản xuất kinh doanh đều sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu tiêu dùng có xu hướng ưu chuộng hàng Việt, tiện lợi cũng đã lần lượt tung ra quà Tết 2025 đa dạng.
Khi hàng Việt được ưa chuộng
Tại siêu thị GO! Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội), dù Tết Nguyên đán còn gần 60 ngày nhưng siêu thị này đã lên kệ nhiều hàng Tết.
Thông tin với phóng viên, đại diện siêu thị GO! Thăng Long cho biết, nếu hàng năm, giỏ quà Tết chỉ có mặt trên kệ hàng ở thời điểm chạm Tết Nguyên đán thì năm nay, chương trình “Quà Tết thân tình” với nhiều loại giỏ quà, hộp quà với nhiều mức giá khác nhau được lên kệ hàng sớm là để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong cả dịp Tết dương lịch 2025.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, từ ngày 6/12, hệ thống siêu thị bắt đầu trưng bày hàng Tết. Năm nay, phần lớn hàng hóa phục vụ Tết là hàng Việt, chiếm hơn 80% toàn hệ thống, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 20%.
Hàng Việt hay sản phẩm “made in Việt Nam” hiện chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú và hiện đại, cộng với việc các doanh nghiệp cũng quảng bá tốt trên nhiều nền tảng giúp người tiêu dùng nhận diện được tốt hơn và lựa chọn mua sắm. Về giá các mặt hàng đến thời điểm này là bình ổn, thậm chí vào dịp Tết, siêu thị sẽ triển khai nhóm sản phẩm hàng hóa không lợi nhuận như các hộp bánh, thịt… để tạo sức hút, kích cầu mua sắm.
Nhiều người tiêu dùng cũng chia sẻ quan điểm, ưu tiên việc lựa chọn những sản phẩm đặc sản mang đậm hương vị quê hương. Với lý do đơn giản hàng “made in Việt Nam” ngày càng chất lượng, phong phú.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết, tại Co.opmart hàng Việt chiếm hơn 90%. Người tiêu dùng cũng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm Việt, từ nông sản tới các mặt hàng thời trang, các mặt hàng thiết yếu. Theo bà Dung, người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt là do phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân, chất lượng tốt, giá cả phù hợp với chi tiêu của các hộ gia đình. Trong dịp Tết này, các giỏ quà của siêu thị hàng Việt cũng chiếm trên 90%, với các sản phẩm đặc sản địa phương. Dự kiến, sức mua và doanh thu sẽ tăng khoảng 10% vào Tết Nguyên đán.
Về giá bán, siêu thị thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giá cả nhiều mặt hàng bình ổn và gia tăng khuyến mại. “Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp và phần lớn ủng hộ việc duy trì giá bán bình ổn, riêng mặt hàng rau, đơn vị đã ký hợp đồng, hỗ trợ vốn cho 7 nhà cung cấp lớn, nên những mặt hàng chủ lực như cà rốt, cà chua, bắp cải, khổ qua, dưa leo... dự kiến có giá tốt hơn so với thị trường” - bà Dung khẳng định.
Nắm bắt xu hướng cho tặng các sản phẩm đặc sản vùng miền trong dịp cuối năm, nhiều siêu thị cũng đã nhanh chóng giới thiệu “Đặc sản Việt cho người Việt” như: Thịt trâu gác bếp, thịt heo gác bếp, khô bò, khô trâu, măng khô (Tây Bắc); phở khô, miến dong đặc biệt, bún gạo ngũ sắc, các loại gạo đặc sản, đậu xanh tách vỏ (Hà Nội); Mực rim me, ghẹ sữa rim, cá chỉ vàng sốt chua ngọt (miền Trung); kẹo dừa 9 vị (Bến Tre), bánh phồng tôm (Cà Mau)...
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công thương Hà Nội, chương trình “Đặc sản Việt cho Tết Việt” với các sản phẩm đặc sản vùng miền lên kệ thời điểm này không chỉ tạo cơ hội để người tiêu dùng sớm thưởng thức những đặc sản độc đáo của các vùng miền trên cả nước, mà còn tiết kiệm thời gian mua sắm, góp phần đa dạng hóa thị trường hàng hóa, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa
Theo Bộ Công thương, hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.
Theo Sở Công thương Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp đã khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình 7-25% tùy mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán sẵn sàng phục vụ nhân dân. Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và đưa đến hệ thống phân phối.
Được biết, bên cạnh các giải pháp điều hành thị trường, dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết, ngành Công thương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân; khuyến khích hệ thống phân phối, phối hợp với các địa phương triển khai chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về ngoại thành, các khu, cụm công nghiệp phục vụ người lao động.
Hơn 12.000 tấn hàng hóa bình ổn sẵn sàng cho dịp Tết 2025
Tại TPHCM, hàng Tết cũng đã được bày bán tại tất cả càng hệ thống siêu thị, và các chuỗi cung ứng hàng hóa. Theo thông tin từ hệ thống siêu thị của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đơn vị này đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu từ giữa năm, với tổng sản lượng dự trữ hơn 12.000 tấn, tăng 30-50% so với tháng kinh doanh bình thường.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Doanh nghiệp dự kiến doanh số Tết Ất Tỵ 2025 tăng khoảng 5% so với cùng kỳ”.
Phần lớn trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản... Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Ngoài chương trình bình ổn, Co.opmart, Co.opXtra... thực hiện khuyến mãi Tết liên tục trong 59 ngày, với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đón xuân mới.
T.Anh