Cần AI hợp tác với con người
Các diễn giả tham gia tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức đều chung quan điểm rằng, dù AI đóng vai trò cốt lõi trong việc cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp, song chỉ nên dùng AI như một ứng dụng trung gian giúp con người làm tốt hơn việc họ đang làm.
Lo ngại về quyền riêng tư
Nhiều nội dung ứng dụng của AI đã được các nhà khoa học, diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Triển khai Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế” vừa diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ chuỗi Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”, thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024. Người được coi là cha đẻ của AI - GS Yann Lecun, Đại học (ĐH) New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ) khẳng định: AI sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người.
Theo các chuyên gia, AI hiện đang là công nghệ nền tảng, đóng vai trò cốt lõi trong việc cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp như kinh doanh, giáo dục, y tế và chăm sóc khách hàng. Các mô hình AI tiên tiến nhất hiện nay như Llama 3, GPT-4 và Gemini 1.5 đã không chỉ nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tiễn, giúp tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng. Nhiều ứng dụng AI đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Đã có nhiều bằng chứng xuất bản 10 năm trước cho thấy, AI có thể nhận ra một đối tượng trong thời gian nhanh chóng với chính xác tuyệt đối. Theo đó, AI cần được tận dụng hiệu quả hơn, cần được điều chỉnh trong thế giới thực thích ứng thực hơn với công nghệ. Quan trọng hơn, AI làm tăng năng lực của con người trong các lĩnh vực khác nhau và đó mới là mục đích quan trọng nhất.
“Chúng ta cần đảm bảo AI hợp tác với con người để hoàn thành công việc, đồng thời không xem nhẹ tư duy phản biện của con người” – TS Xuedong Huang, Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture khẳng định.
Dẫu thế, trong số nhiều thách thức khi ứng dụng AI, TS Bùi Hải Hưng - Tổng Giám đốc VinAI Việt Nam đề cập đến một thách thức về quyền riêng tư. Một trong những rào cản tâm lý người dùng là nỗi lo bị mất thông tin cá nhân. Do đó, việc phát triển AI cần song hành với phát triển kỹ thuật bảo vệ quyền riêng tư. Đây cũng là cách mà VinAI đang làm. Nhóm nghiên cứu của TS Bùi Hải Hưng đang phát triển một ứng dụng có tên MiE, có chức năng “lưu trữ ký ức” người dùng. Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại với tác dụng tìm kiếm bất kỳ hình ảnh, văn bản, email hay đường link nào mà chủ sở hữu từng tìm kiếm và diễn giải nó thành thông tin có ý nghĩa. Nhờ đó, chủ sở hữu chiếc điện thoại không mất thời gian lục tìm thủ công trong các ổ dữ liệu đã quá tải mà chỉ cần kích hoạt “ký ức nhân tạo”. Đáng chú ý, MiE không xuất “ký ức” ra khỏi chiếc điện thoại, đảm bảo tất cả luôn nằm trên một thiết bị duy nhất.
Ngoài ra, TS Bùi Hải Hưng đặt ra băn khoăn về sự bền vững của mô hình phát triển AI hiện tại, khi nguồn lực có hạn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra các mô hình AI hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Theo đó, cần có phương pháp đồng bộ để AI có thể hiểu được tất cả ngôn ngữ thế giới.
Nhiều tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực y tế
GS Đỗ Ngọc Minh – ĐH Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Hoa Kỳ) và Trường ĐH VinUni (Việt Nam), thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture nhận định, dù có tranh cãi ra sao thì một thực tế không thể phủ nhận là AI ngày càng tham gia sâu vào lĩnh vực y tế và giáo dục, tạo ra các kết quả đột phá, mang lại lợi ích lớn cho con người.
Ông Minh đã dẫn chứng việc nhờ có AI mà các phòng thí nghiệm y khoa có thể nghiên cứu tế bào ung thư trong một hệ thống mang tính công nghiệp. Cụ thể, hiện trường ĐH của ông có 50 thạc sĩ và 50 tiến sĩ, 10 nghiên cứu sinh để làm việc nghiên cứu liên quan đến AI ứng dụng vào sức khỏe và đã có một số kết quả nhất định. Năm 2022, VinUniversity (VinUni) và ĐH Illinois tại Urbana-Champaign đã khai trương Trung tâm Y tế Thông minh VinUni-Illinois (VinUni-Illinois Smart Health Center: VISHC). Dự án kết hợp giữa hai đơn vị nghiên cứu về điều trị ung thư để tìm ra phác đồ điều trị hoá chất, phẫu thuật... hạn chế cắt bỏ tế bào. Trong ung thư vú, việc lấy mẫu tế bào để kiểm tra xem tế bào ung thư được quét sạch chưa sẽ phải lấy nhiều lần, khiến bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn. Lúc này, với sự hỗ trợ của AI giúp cho scan mẫu nhanh hàng nghìn mẫu và đỡ cho bệnh nhân rất nhiều.
Trong việc đưa AI vào thực tiễn phát triển ngành dược phẩm, GS Đỗ Ngọc Minh cũng cho rằng, Việt Nam chưa có ưu thế vì chưa có công ty dược phẩm lớn và chưa có công ty có nền tảng nghiên cứu phát triển thuốc. Do đó, Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện quan trọng để AI có thể thu thập dữ liệu từ hiện trường. Tuy nhiên, ông Minh cũng chỉ ra lợi thế, Việt Nam có dân số lớn, tình trạng y tế đa dạng, nếu dùng AI thu thập tình trạng sức khỏe y tế là một lĩnh vực có thể khai thác và sử dụng.
Trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2024, tọa đàm khoa học “Triển khai AI trong thực tế” đặc biệt nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Tại đây, các nhà khoa học đều nhận định, AI đang ở giai đoạn phát triển, còn rất nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức với các đơn vị để triển khai AI trong thực tiễn.