Chính trị

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt được 15%

Việt Thắng 07/12/2024 17:15

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 7/12/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5% và khá tích cực so với cùng kỳ năm 2023.

c68de1df-787d-4c93-8a68-2793ab28b1b3.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trả lời tại họp báo.

Chiều 7/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, trả lời về lý do tăng trưởng tín dụng tháng 11 cao so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo tăng trưởng 15% trong năm nay liệu có đạt?, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, nhìn chung đầu năm 2024 có khó khăn, nhưng đến nay tăng trưởng tín dụng được giải quyết rất tích cực dù còn 1 tháng nữa. Điều này do sự phát triển rất tích cực của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng rất hòa đồng với nhịp độ tăng trưởng chung, điều này cho thấy tín dụng gắn chặt với hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay thì chắc chắn kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu.

Theo ông Tú, đến ngày 29/11 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 11,9%, nhưng đến nay (7/12) thì đạt 12,5%. Như vậy tốc độ tăng trưởng tín dụng khá tích cực so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023 đạt 9% thì giờ so cùng kỳ năm ngoái đã đạt 12,5%. Điều này chứng tỏ ngoài huy động vốn của các ngân hàng thương mại thì NHNN cũng có các động tác điều chỉnh, hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thông qua hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại.

Về lý do tăng nhanh hơn so với năm ngoái, theo ông Tú, do nền kinh tế có nhiều thuận lợi, đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực, xuất khẩu tăng nhanh, các doanh nghiệp phát triển lại phong độ như những năm trước khi khó khăn, đây là điều đáng mừng cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

4-173356041409365984799.jpg
Ông Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo.

“Sự điều hành của Trung ương, địa phương, đặc biệt là điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kể cả kinh tế ngành và kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ đã có sự kết hợp hài hòa, gắn chặt nên giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó là các biện pháp điều hành của NHNN cùng với các bộ, ngành và địa phương. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã đặt ra mục tiêu 15%. Dù do ảnh hưởng của bão số 3 nên cũng bị ảnh hưởng một phần. Nếu không có bão thì chắc chắn tăng trưởng tín dụng còn cao hơn”, ông Tú nói.

Ông Tú cũng cho hay, nguồn lực, nguồn vốn huy động đảm bảo hài hòa so với lãi suất. Lãi suất đầu ra đã giảm khá tích cực, tính đến hiện nay lãi suất cho vay bình quân với các khoản cho vay mới đã giảm 0,96%. Đây là lý do giúp cho doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào và tích cực vay vốn hơn. Có cơ chế giãn, hoãn nợ do khó khăn bị tác động của bão. Tất cả các cơ chế chính sách này phát huy hiệu quả trong 2024, giúp tháo gỡ đẩy mạnh tín dụng sản xuất và tín dụng tiêu dùng.

Cũng theo ông Tú, ngay tín dụng cho bất động sản và chứng khoán dù có kiểm soát chặt đảm bảo rủi ro nhưng cũng tạo điều kiện cho lĩnh vực này có thể khởi sắc hơn.

“15% là con số là định hướng trong điều hành chứ không phải chỉ tiêu pháp lệnh nhưng đặt ra để điều hành trong chính sách tiền tệ của NHNN. Với tốc độ như thế này và thông thường cuối năm theo thông lệ là thời điểm giải ngân rất tích cực. Do đó, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được 15% trong năm 2024”, ông Tú tin tưởng.

Trả lời thêm về vấn đề trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, tăng trưởng tín dụng năm 2024, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để đạt được 15% như mục tiêu đã đặt ra.

Việt Thắng