Thứ trưởng Bộ Công Thương: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô hàng tỷ USD
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, việc xác định mức đầu tư cần nhiều yếu tố. Dự kiến báo cáo sơ bộ, dự án này có quy mô lên tới hàng tỷ USD vì dự án còn phụ thuộc quy mô, yêu cầu công nghệ, đòi hỏi yêu cầu an toàn cho dự án.
Chiều 7/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, trả lời về lộ trình tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thuận lợi khó khăn và tổng vốn đầu tư dự án là bao nhiêu? ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nghiên cứu phát triển dự án điện hạt nhân.
Ông Tân thông tin, với điện hạt nhân, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, rà soát và báo cáo Chính phủ, các cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đồng ý chủ trương. Hiện nay, vấn đề đặt ra là triển khai thế nào cho phù hợp. Hiện Chính phủ đã giao cho các bộ ngành liên quan, Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu báo cáo. Trong đó, hoàn thiện thể chế pháp luật, trên cơ sở kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Điện lực sửa đổi (có nội dung về điện hạt nhân Ninh Thuận) đã được thông qua. Chính phủ họp và dự kiến thông qua việc báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, làm rõ các vấn đề công nghệ, an toàn về điện hạt nhân, từ đó sẽ đầy đủ cơ sở pháp lý, liên quan đầu tư, xây dựng, an toàn, môi trường để thực hiện.
“Bộ Công Thương cũng tham mưu Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ về triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và Phó Trưởng ban là Phó Thủ tướng và các thành viên là tổ công tác, đại diện các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học trong phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ngoài ra, Bộ cũng sớm trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện 8. Cùng vớ đó, bộ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư dự án, là vấn đề quan trọng vì đây là chủ thể quan trọng gắn với triển khai, đề xuất, nghiên cứu, xây dựng và vận hành dự án”, ông Tân nói.
Đối với địa phương, ông Tân cho hay, lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu, sớm tạo điều kiện mặt bằng sạch, tạo sự đồng thuận của người dân địa phương, tạo thuận lợi nhất trong quá trình triển khai.
Trả lời về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai dự án, ông Tân cho biết, dự án đạt đồng thuận cao nên thuận lợi triển khai. Tuy nhiên thách thức là lựa chọn công nghệ, bảo đảm an toàn, có thể xảy ra sự cố. Ngoài ra, những khuyến nghị của tổ chức quốc tế, khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử cũng là những vấn đề cần lưu ý trong phát triển điện hạt nhân.
Về tổng mức đầu tư, ông Tân cho biết, việc xác định mức đầu tư cần nhiều yếu tố. Dự kiến báo cáo sơ bộ, dự án này có quy mô lên tới hàng tỷ USD vì dự án còn phụ thuộc quy mô, yêu cầu công nghệ, đòi hỏi yêu cầu an toàn cho dự án. Những lợi ích của dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích bao gồm: nguồn năng lượng nền, xanh sạch đáp ứng mục tiêu an ninh năng lượng, nguồn năng lượng sạch.
Theo ông Tân, điện hạt nhân cũng tạo nguồn năng lượng an toàn cho phát triển kinh tế xã hội cho địa phương và cả nước, tương lai hướng ra xuất khẩu, đặc biệt khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao. Dự án cũng tạo động lực và nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ cao, đặc biệt là là khoa học nguyên tử, từ đó thúc đẩy nền công nghiệp và nhân lực chất lượng cao.