Phát triển công nghiệp văn hóa, kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong vài thập kỷ qua, Hàn Quốc đã trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc). Đây là bài học sâu sắc trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Từ thành công này, Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm để nâng tầm vị thế quốc gia thông qua sức mạnh mềm văn hóa.
Hallyu: Làn sóng văn hóa vượt biên giới
Hallyu, xuất hiện từ cuối những năm 1990, đã trở thành một biểu tượng toàn cầu với các yếu tố nổi bật như âm nhạc (K-pop), phim ảnh (K-drama), điện ảnh, thời trang, mỹ phẩm và ẩm thực. Ban đầu, hiện tượng này bùng phát nhờ sự yêu thích tự phát của công chúng quốc tế đối với sản phẩm văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự nhanh nhạy của Chính phủ Hàn Quốc đã biến Hallyu thành một chiến lược quốc gia toàn diện.
Âm nhạc Hàn Quốc – K-pop với những nhóm nhạc đình đám như BTS, Blackpink không chỉ mang đến các bản hit toàn cầu mà còn thiết lập chuẩn mực mới trong ngành công nghiệp âm nhạc. Từ vũ đạo, hình ảnh đến nội dung âm nhạc, mọi yếu tố đều được đầu tư kỹ lưỡng, giúp K-pop trở thành biểu tượng của sự hiện đại và sáng tạo.
Đối với điện ảnh, từ những bộ phim truyền hình dài tập ban đầu như Bản tình ca mùa đông đến Hạ cánh nơi anh sau này đều chinh phục khán giả toàn cầu nhờ cốt truyện hấp dẫn và thông điệp nhân văn. Nhưng Hàn Quốc không chỉ có phim truyền hình như lúc đầu mọi người tưởng, chỉ vài thập kỷ sau, điện ảnh Hàn Quốc đã vươn tới những với đại diện tiêu biểu là bộ phim Ký sinh trùng, đã giành giải Oscar, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ về cả nội dung lẫn chất lượng sản xuất.
Phong cách thời trang của các ngôi sao K-pop, K-drama cùng sản phẩm chăm sóc da K-beauty trở thành xu hướng toàn cầu. Với thành phần tự nhiên và công nghệ tiên tiến, mỹ phẩm Hàn Quốc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về làm đẹp của người tiêu dùng thế giới. Các món ăn như kim chi, tokbokki hay bibimbap đã vượt biên giới nhờ sự quảng bá khéo léo qua truyền hình và các nhà hàng quốc tế.
Chính sách phát triển văn hóa
Hallyu không phải là hiện tượng phát triển tự nhiên mà là kết quả của chiến lược văn hóa bài bản do Chính phủ Hàn Quốc định hướng. Từ tầm nhìn chiến lược của chính phủ, sự phối hợp của các tập đoàn kinh tế tư nhân, các yếu tố này đã biến văn hóa thành công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế và ngoại giao.
Trong một cuộc Hội thảo mới đây về truyền thông đa văn hóa, Thạc sỹ Nguyễn Thảo Linh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho rằng: ban đầu, Hallyu chỉ là một hiện tượng văn hóa xuất phát từ sự yêu thích tự phát của công chúng quốc tế đối với các sản phẩm giải trí Hàn Quốc. Hallyu nhanh chóng được Chính phủ Hàn Quốc nhận ra như một công cụ đầy tiềm năng để thúc đẩy vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Hơn thế nữa, làn sóng này đã phát triển thành một chiến lược quốc gia toàn diện, gắn liền với sự phát triển của công nghiệp văn hóa và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng trưởng kinh tế và cải thiện mối quan hệ ngoại giao. Chính sách Hallyu của Hàn Quốc không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược về văn hóa, mà còn là một mô hình phát triển công nghiệp văn hóa đáng chú ý, kết hợp hài hòa giữa lợi ích văn hóa và kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hallyu không chỉ là những sản phẩm văn hóa hiện đại, mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Chính phủ Hàn Quốc tập trung đầu tư mạnh mẽ vào việc quảng bá các sản phẩm văn hóa đại chúng như K-pop, K-drama, điện ảnh và trò chơi điện tử. Các sản phẩm này mang đậm tính đặc trưng văn hóa Hàn Quốc, từ âm nhạc, thời trang đến phong cách sống, tạo điều kiện để công chúng quốc tế tiếp cận và khám phá văn hóa nước này. Các thần tượng và diễn viên Hàn Quốc trở thành đại diện văn hóa, giúp lan tỏa hình ảnh đa dạng và hiện đại của Hàn Quốc.
Qua phim ảnh, âm nhạc và chương trình truyền hình, Hàn Quốc đã giới thiệu đến thế giới những giá trị văn hóa lâu đời như Hanbok, ẩm thực và các lễ hội văn hóa. Bằng cách này, Hàn Quốc không chỉ truyền bá văn hóa hiện đại, mà còn bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống, góp phần vào việc thúc đẩy nhận thức toàn cầu về sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa Hàn Quốc.
Hallyu trở thành một công cụ ngoại giao mềm quan trọng. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế, liên hoan phim và các buổi hòa nhạc lớn ở ngước ngoài không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Hàn Quốc, mà còn tạo cơ hội giao lưu văn hóa, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Sự lan tỏa của Hallyu trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Hàn Quốc. Hàn Quốc đã tận dụng sức hút của các ngôi sao K-Pop, các địa điểm quay phim nổi tiếng và các sự kiện văn hóa lớn để thu hút du khách quốc tế. Du khách không chỉ đến để thưởng thức cảnh đẹp, mà còn muốn khám phá và trải nghiệm văn hóa, đa dạng của đất nước này.
Chính phủ Hàn Quốc chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, coi đây là một trong những trụ cột phát triển kinh tế. Những khoản đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ, giáo dục và nghệ thuật đã giúp các nghệ sĩ và nhà sản xuất có cơ hội phát triển sản phẩm chất lượng cao, từ đó thu hút sự chú ý và yêu mến từ khán giả khắp nơi trên thế giới.
Sự phổ biến của Hallyu đã tạo động lực cho Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh việc quảng bá ngôn ngữ của quốc gia này ra toàn cầu. Các trung tâm học tiếng Hàn được mở ở nhiều quốc gia, đồng thời các khóa học về văn hóa Hàn Quốc cũng được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều trường đại học. Điều này không chỉ giúp truyền bá ngôn ngữ, mà còn thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và xã hội Hàn Quốc. Nhờ chính sách Hallyu, Hàn Quốc không chỉ quảng bá văn hóa đại chúng, mà còn xây dựng hình ảnh đất nước như một quốc gia đa văn hóa, hiện đại, song vẫn giữ được những giá trị truyền thống lâu đời.
Theo khảo sát của Quỹ trao đổi Văn hóa quốc tế Hàn Quốc năm 2023, số lượng người hâm mộ nền văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới năm 2023 là 225 triệu người, tăng 24 lần so với năm 2012 (9,26 triệu người). Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho Hàn Quốc, làn sóng Hallyu còn giúp nâng cao hình ảnh tích cực về Hàn Quốc đối với các quốc gia trên thế giới. Cũng theo số liệu khảo sát năm 2023, có 70,9% người nước ngoài được hỏi đánh giá Hàn Quốc là “cường quốc văn hóa”.
Chính phủ Hàn Quốc đã sớm nhận ra tiềm năng kinh tế của văn hóa và biến nó thành trụ cột phát triển quốc gia. Từ năm 1995, Đạo luật Quảng bá Phim Hàn Quốc được ban hành, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp phim ảnh. Đến năm 1999, Luật Cơ bản Quảng bá Ngành Văn hóa chính thức đưa văn hóa vào chiến lược phát triển dài hạn.
Kinh nghiệm gợi mở cho công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy rằng văn hóa không chỉ là giá trị tinh thần mà còn là nguồn lực kinh tế và công cụ ngoại giao mạnh mẽ. Với tiềm năng văn hóa phong phú, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ Hallyu để phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa dân tộc vươn xa trên trường quốc tế, biến văn hóa thành tài sản quốc gia.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần xây dựng một chiến lược phát triển bài bản, định hướng rõ ràng các mục tiêu kinh tế, văn hóa và ngoại giao.
Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa như âm nhạc, phim ảnh, thời trang và ẩm thực. Những giá trị truyền thống như áo dài, ca trù, chèo hay các món ăn như phở, bún chả có thể được khai thác để trở thành biểu tượng văn hóa quốc gia.
Việt Nam cần khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư vào các dự án văn hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng tạo nội dung phát triển.
Mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến là công cụ mạnh mẽ để quảng bá văn hóa. Việt Nam cần đầu tư vào sản xuất nội dung số chất lượng cao, tận dụng YouTube, TikTok, Netflix để đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế.
Học tập từ Hallyu, Việt Nam có thể sử dụng văn hóa như một công cụ ngoại giao mềm. Các sự kiện văn hóa quốc tế, chương trình giao lưu và hợp tác nghệ thuật sẽ giúp nâng cao vị thế quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế và xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần xây dựng các chính sách hỗ trợ người nước ngoài, tổ chức các lễ hội đa văn hóa nhằm tôn vinh sự khác biệt, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.