Đề xuất chính sách khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Ủy ban nhân dân TPHCM vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về quy định chế độ hỗ trợ thêm đối với trường hợp nghỉ do tinh giản biên chế, nghỉ do dôi dư sắp xếp đơn vị hành chính; nghỉ công tác trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; nghỉ công tác trước tuổi không thuộc diện tinh giản biên chế trên địa bàn. Cụ thể như sau:
Đối với trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 5 Nghị định 29/2023 của Chính phủ, TP đề xuất trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; từ năm 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 29/2023 là cán bộ, công chức cấp xã, UBND TPHCM đề xuất trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng BHXH bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoảng 2 Điều 8 Nghị định 29 là nữ cán bộ, công chức cấp xã, TPHCM đề xuất trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Trường hợp hưởng chính sách theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 29, được đề xuất trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, được đề xuất trợ cấp thêm 3 tháng phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Người nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm các chức vụ, chức danh sẽ được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng BHXH bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Người nghỉ hưu trước tuổi (do nguyên nhân bất khả kháng, sức khỏe giảm sút) được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp nghỉ việc ngay nhưng không thuộc đối tượng tinh giản biên chế được đề xuất trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Về kinh phí thực hiện, tờ trình của UBND TPHCM nêu, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, các hội có tính chất đặc thù và đơn vị sự nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước bố trí dự toán kinh phí.
Phần trợ cấp thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị tự chủ tài chính sẽ do đơn vị chi trả từ nguồn cải cách tiền lương và nguồn thu.
Tổng ước dự kiến ngân sách TPHCM cần đảm bảo hằng năm cho các khoản hỗ trợ thêm trong đề xuất là khoảng 175 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 4/12, tại hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 34, nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Văn Thị Bạch Tuyết đã trình bày phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy các ban Đảng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM.
Về phương án tinh gọn bộ máy khối chính quyền, TPHCM nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc trung ương có bộ nào TPHCM có sở tương ứng. Theo đó, nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành phố. Nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, chuyển Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao; sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.
Nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương.
Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc, sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TPHCM.
Nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TPHCM, gồm các ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế... Nghiên cứu sáp nhập một số ban chỉ đạo cấp thành phố ở từng cơ quan đơn vị xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị trực thuộc.
Như vậy, sau sắp xếp, TPHCM có 13 cơ quan chuyên môn gồm: Sở Kế hoạch, Đầu tư và Tài chính; Sở Quản lý đô thị; Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi Trường; Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Nội vụ…
Về phương án sắp xếp các cơ quan Đảng, TPHCM nghiên cứu phương án sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TPHCM. Đồng thời, nghiên cứu kết thúc hoạt động 11 đảng đoàn, 3 ban cán sự đảng và đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng.
Thành lập mới 2 đảng bộ trực thuộc Thành ủy TPHCM gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp và Đảng bộ khối chính quyền.
Chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các hội quần chúng về cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp...
Như vậy, sau khi sắp xếp theo định hướng, Đảng bộ TPHCM còn 27 Đảng bộ trực thuộc, giảm 24 Đảng bộ.