Pháp luật

Cẩn trọng khi 'chốt đơn' mua vợt pickleball cũ trên mạng xã hội

Hoàng Chiến 08/12/2024 17:43

Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm trao đổi, mua bán vợt pikleball đã qua sử dụng xuất hiện với hàng chục ngàn người tham gia. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc mua bán, trao đổi vợt pickleball tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo.

Ảnh chụp Màn hình 2024-12-08 lúc 15.24.05
Nhiều hội nhóm trao đổi, mua bán vợt pickleball đã qua sử dụng trên Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Đã có nạn nhân “sập bẫy”

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Hoàng Vũ (sinh năm 2006, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, đối tượng này đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook và Zalo để lừa đảo đổi vợt thể thao trên nhiều diễn đàn mạng xã hội khác nhau.

Đối tượng giả vờ sở hữu các mẫu vợt cao cấp và đăng tin trao đổi vợt với các nạn nhân. Sau khi đạt được thỏa thuận, Vũ cung cấp địa chỉ nhận hàng, nhận vợt từ nạn nhân nhưng không gửi lại vợt như đã cam kết.

Đặc biệt, để tạo lòng tin, Vũ còn tạo các hóa đơn vận chuyển giả nhằm đánh lừa nạn nhân rằng mình đã gửi hàng. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Vũ nhanh chóng bán lại trên các nền tảng mạng xã hội khác để thu lợi bất chính.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi giao dịch trên mạng xã hội, đặc biệt với các tài khoản không xác minh được danh tính; nên kiểm tra kỹ thông tin và ưu tiên các phương thức giao dịch an toàn, không xảy ra sơ hở để các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 28/10, thông qua các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh tài khoản Facebook “Shop Pickleball - Hạ Long”, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, tạm giữ hơn 3.000 chiếc vợt, bóng và dụng cụ pickleball nhập lậu và gần 400 chiếc vợt, bóng, túi đựng vợt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Vụ việc đang được chuyển cho cơ quan điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.

Ảnh chụp Màn hình 2024-12-08 lúc 15.24.38
Ảnh chụp màn hình.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm trao đổi, mua bán vợt pikleball đã qua sử dụng xuất hiện với hàng chục ngàn người tham gia. Các hội nhóm này thường xuyên đăng tải bài viết về bán lại vợt pickleball đã qua sử dụng với mức giá hấp dẫn, chỉ từ vài trăm đến cả vài triệu đồng.

Các đối tượng thường xuyên rao bán với những lời mời gọi hấp dẫn như: "mới qua sử dụng", "hàng Mỹ nhập khẩu", "cam kết chất lượng", "Hàng chính hãng nhập khẩu công ty bảo hành tại Việt Nam",...

Ảnh chụp Màn hình 2024-12-08 lúc 15.28.55
Ảnh chụp màn hình.

Kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hưng - đồng sáng lập Dự án phi lợi nhuận Chống lừa đảo trên không gian mạng (Chongluadao.vn) đánh giá, các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý vội vàng của khách hàng, đi kèm với các lời kêu gọi khẩn trương như “sắp có người chốt mua”, “hàng có hạn”, khiến nạn nhân không kịp kiểm tra kỹ lưỡng thông tin và “chốt đơn” ngay lập tức nếu đang có nhu cầu.

Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hưng, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo (chongluadao.vn).
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hưng, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo (chongluadao.vn).

Chuyên gia an ninh mạng nhận định, đây là thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tương đối mới và tinh vi. Số tiền lừa đảo chiếm đoạt không nhiều nhưng gây bức xúc vì lợi dụng lòng tin, đánh vào tâm lý đam mê thể thao của nạn nhân.

Theo ông Hưng, dấu hiệu cụ thể để phát hiện các đối tượng mạo danh, lừa đảo khi trao đổi loại vợt này là các tài khoản giả mạo thường có thông tin mập mờ, thiếu xác thực, hoặc mới lập gần đây. Do đó, người dân cần “chậm lại một bước” để kiểm tra kỹ thông tin người giao dịch. Đặc biệt là lịch sử bài đăng và hoạt động trong các nhóm, diễn đàn liên quan đến thể thao.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin về người mua/bán, bao gồm thân thế, công việc, nhân thân và uy tín của họ trong các cộng đồng mạng. Nếu người mua/bán không có thông tin rõ ràng hoặc có dấu hiệu ngụy tạo, đó là một dấu hiệu cảnh báo.

Kiểm tra xem người mua/bán có tham gia tích cực trong các nhóm trao đổi hay không, và liệu có những người khác đã từng giao dịch với họ trước đó không cũng là một thao tác không thể thiếu để phòng tránh lừa đảo.

Thông thường, những tài khoản ảo được dùng để seeding bằng các công tự động hóa (hay còn gọi là buff). Các tài khoản này thường có thông tin không rõ ràng, profile chia sẻ bài viết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và không có hình ảnh hoạt động cá nhân hàng ngày.

Không chỉ vậy, hãy kiểm tra xem người mua/bán có tham gia tích cực trong các nhóm trao đổi, bán hàng hay không, và liệu có những người khác đã từng giao dịch với họ trước đó không.

Chuyên gia Nguyễn Hưng đặc biệt lưu ý, trước khi thực hiện giao dịch, hãy đăng 1 bài post trong group để kiểm tra uy tín "check legit" của người bán, kêu gọi sự đánh giá từ những người uy tín trong cộng đồng, hoặc admin/điều hành group.

Nếu giá vợt pickleball quá thấp so với thị trường hoặc so với giá trị thực của sản phẩm, đó là dấu hiệu đáng ngờ. Các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mức giá hấp dẫn để thu hút nạn nhân.

“Lừa đảo thường xảy ra khi đối tượng yêu cầu chuyển tiền hoặc giao dịch qua các kênh không trực tiếp, như chuyển khoản qua ngân hàng, gửi hàng qua bưu điện mà không có sự gặp gỡ trực tiếp. Đây là một cảnh báo lớn.

Do đó, để tránh bị lừa đảo mua/bán loại vợt này trên mạng xã hội, nếu có thể, hãy ưu tiên gặp mặt trực tiếp để kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán. Nếu không, chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD) để tránh rủi ro”, chuyên gia khuyến cáo.

Hoàng Chiến