Sức khỏe

'Sát thủ thầm lặng' khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Đức Trân 09/12/2024 09:29

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Tai biến này thường để lại nhiều di chứng nặng nề, cướp đi cuộc sống bình thường của nhiều người, thậm chí cả sinh mạng.

Đáng lo ngại hơn, ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc tăng huyết áp và với diễn biến âm thầm của căn bệnh này, tình trạng trẻ hóa đột quỵ đã và đang ngày một gia tăng.

Mới đây, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin về một ca bệnh đột quỵ điển hình ở người trẻ tuổi. Cụ thể, bệnh nhân nam, 31 tuổi chuyển tới Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.

Qua khai thác tiền sử bệnh, người nhà bệnh nhân cho biết, từ năm 2020, bệnh nhân đã có tiền sử chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp. Sau một thời gian bệnh nhân thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu.

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) kể lại, khi tiếp nhận bệnh nhân nhập viện, huyết áp của người bệnh liên tục tăng cao. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất. Qua hội chẩn các chuyên khoa bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa. Bệnh nhân liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.

Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch… Đây là tình trạng thường xuất hiện đột ngột, diễn biến nhanh, khi đó, mạch máu bị tắc nghẽn dẫn tới phần não liên quan không thể hoạt động được và đột quỵ. Nguy hiểm hơn khi các thống kê đã chỉ ra, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam (Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam) cho biết: Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác, gây nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, teo não, nhũn não, suy thận... hoặc để lại di chứng nguy hiểm như liệt, sa sút trí tuệ. Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong sớm trên toàn cầu. Nguy hiểm là vậy, thế nhưng căn bệnh này thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước và thậm chí có người còn không biết mình bị bệnh, đây cũng là nguyên nhân mà nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Được biết, hiện nay, tình trạng tăng huyết áp đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp và mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong. Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, cứ 5 người trưởng thành có 1 người tăng huyết áp. Tuy nhiên vẫn còn tỉ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khuyến cáo, quan điểm trước đây cho rằng, cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, mặt đỏ bừng, béo, hiện tượng ruồi bay... là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện các triệu chứng này thì người bệnh bị tai biến nặng nề. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp một cách tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức 140/90mmHg là tăng huyết áp. Trong trường hợp mắc tăng huyết áp, cần dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đức Trân