Chuyển đổi số trong giáo dục: Phải bắt đầu từ đổi mới tư duy
Khi triển khai văn bằng số, các văn bằng từ bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp các phương thức đào tạo đại học (ĐH), sau ĐH sẽ được số hóa. Việc quản lý, sử dụng hoàn toàn trên môi trường số, trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam sẽ hạn chế các vấn đề về bằng giả, vấn đề tiêu cực về văn bằng.
Thông tin được ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GDĐT) chia sẻ tại Hội thảo chuyển đổi số trong GDĐT chủ đề “Giáo dục ĐH với công nghệ số” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ở thời điểm hiện tại, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu trong giáo dục và đào tạo, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục ĐH. Trong đó, từ năm 2022, Bộ GDĐT đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục ĐH (HEMIS), trong đó tổng hợp thông tin dữ liệu từ tất cả các ĐH, trường ĐH, học viện trên cả nước gồm các nhóm dữ liệu về đội ngũ, người học, chương trình đào tạo, ngành đào tạo, cơ sở vật chất, tài chính tài sản…
Đến nay ngành giáo dục đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục ĐH, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học. Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (hàng năm chia sẻ dữ liệu việc làm của khoảng 97.000 sinh viên tốt nghiệp). Đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất (hiện đã báo cáo dữ liệu khoảng 18.000 hồ sơ viên chức các cơ sở giáo dục ĐH thuộc Bộ GDĐT lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.
Ngay từ năm 2022, đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT” và “Đăng ký xét tuyển trình độ ĐH, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Trong thời gian tới đây, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh phương thức đào tạo trực tuyến, nhất là đối với giáo dục ĐH. Để thúc đẩy điều này, Bộ GDĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn và đang phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai một hệ thống đào tạo trực tuyến dùng chung trên nền tảng MOOC. Tới nay, đã có 4 cơ sở đào tạo bước đầu tích cực tham gia hệ thống này gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế. Hệ thống nhằm mục tiêu xây dựng nền tảng dùng chung; các trường cùng cộng tác, phối hợp để triển khai các hoạt động đào tạo trực tuyến, chia sẻ, kế thừa nguồn lực trong công tác đào tạo.
Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục ĐH và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hiện nay Bộ GDĐT đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục ĐH số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến phê duyệt trong năm 2024).
Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năm lực số cho người học từ mầm non đến ĐH (bao gồm năng lực ứng dụng AI) nhằm nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến các Đề án và khung năng lực số nói trên sẽ được triển khai ngay từ năm 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong bối cảnh ngành giáo dục thực hiện chuyển đổi số sâu rộng từ quá trình quản lý đến dạy và học trong nhà trường, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh cho rằng để thúc đẩy chuyển đổi số bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển giáo dục trong tương lai, cần thực hiện các nghiên cứu nền tảng, nghiên cứu hành động, các bài học thực tiễn.
“Khi khám phá tiềm năng to lớn của giáo dục trong thế giới số, chúng ta cần tiếp cận hành trình này với một mục tiêu rõ ràng. Chúng ta cần đảm bảo rằng công nghệ là phương tiện, là cầu nối, không phải rào cản, đến giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người. Chuyển đổi số trong giáo dục không nằm ở sự đổi mới công nghệ đơn thuần, mà nằm ở các chiến lược có chủ đích nhằm xoá bỏ bất bình đẳng số, nâng cao năng lực và trao quyền cho giáo viên, phát triển các kĩ năng cần thiết cho người dạy và người học trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng” – GS Lê Anh Vinh nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng chuyển đổi số phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, cách thức quản lý, quản trị nhà trường, không đơn thuần là đưa bài giảng từ trực tiếp sang trực tuyến - đó mới chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin. Chuyển đổi số yêu cầu thay đổi sâu sắc, toàn diện, thay đổi hẳn cách làm. Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ quyết liệt hơn nữa trong cả chỉ đạo, ban hành chính sách và triển khai chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với giáo dục và đào tạo để chuyển đổi số, không gian số, ứng dụng công nghệ số, ứng dựng trí tuệ nhân tạo sẽ thực sự tác động, tạo ra thay đổi về năng suất dạy, năng suất học; xóa bỏ được các khâu, cấp trung gian trong hoạt động giáo dục và đào tạo.