Khu thương mại tự do thúc đẩy logistics
Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics.
Vừa qua, TP Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Do đó việc thành lập, đầu tư và phát triển khu thương mại tự do nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế, định hướng, khuyến khích các tập đoàn logistics đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp (DN) logistics lớn quan tâm, chủ động hợp tác đầu tư trong việc vận hành chuỗi cung ứng để sớm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) hạ tầng logistics của nước ta hiện có 26.484km đường quốc lộ và cao tốc, với trên 2000km đường cao tốc, lượng hàng hoá được vận tải đường bộ 61-64%. Đường biển có 286 cảng biển thuộc nhóm 5 (chiều dài cầu cảng 100m), trong đó, có 2 cảng biển loại đặc biệt là Bà Rịa – Vũng Tàu và Hải Phòng có thể tiếp nhận tàu container từ 132.000 DWT – 214.000 DWT. Bên cạnh đó, có 69 Trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. “Chính vì thế, thành lập Khu thương mại tự do sẽ là đòn bẩy để thu hút vốn đầu tư” – ông Hải nhấn mạnh.
Cũng thông tin từ Bộ Công thương cho biết, FTZ là mô hình hiệu quả giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu và phát triển logistics nhờ cơ chế thông thoáng, miễn thuế, giảm thủ tục hành chính.
Với lợi thế vượt trội về cảng biển, hạ tầng giao thông và thu hút FDI, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đứng trước cơ hội lớn tiến tới thành lập khu thương mại tự do, thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Số liệu cho thấy, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu đang khẳng định vị thế là trung tâm logistics hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ.
Đây là một trong những cụm cảng lớn nhất thế giới, có khả năng tiếp nhận tàu siêu trường – siêu trọng từ 80-250 nghìn tấn, vận chuyển hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước, trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhờ hệ thống giao thông kết nối cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành và các KCN lớn trong vùng. Do đó, Bà Rịa – Vũng Tàu đang tập trung phát triển ngành logistics thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế biển và khu vực.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá việc thành lập khu thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ, góp phần vào hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu cảng Cái Mép - Thị Vải và tăng trưởng xuất khẩu. “FTZ không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm mà còn phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, nâng cao giá trị kinh tế tỉnh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc kết hợp FTZ với cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành điểm sáng trong hội nhập, tận dụng lợi thế về địa lý và hạ tầng để thu hút các tập đoàn đa quốc gia” - ông Sơn nhấn mạnh.
Theo đánh giá chung, mô hình FTZ đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công; qua đó, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài.