Chính trị

Ngăn chặn tham nhũng 'từ sớm, từ xa'

H.Vũ 09/12/2024 09:35

Năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tuy nhiên công tác này cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa.

ảnh trên 3
Phiên họp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 sáng 26/11. Ảnh: Quang Vinh.

Tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng chưa chuyển biến

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 cho thấy, trong năm 2024, các Cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị can. Viện kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 1.186 vụ với 3.869 bị can, đã giải quyết 1.006 vụ với 3.242 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp đã giải quyết sơ thẩm 1.154 vụ với 3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; Đã xét xử 917 vụ với 2.418 bị cáo...

Tuy nhiên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tình trạng vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương còn thấp.

Chưa kể, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được khắc phục triệt để; vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đặc biệt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế...

Thượng tá Lê Phi Long, Phó trưởng phòng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho rằng, việc tự phát hiện tham nhũng tại một số cơ quan vẫn còn là khâu yếu. “Sau khi triển khai các biện pháp nghiệp vụ thấy phần lớn nhiều cơ quan để xảy ra tham nhũng rất nghiêm trọng nhưng các cơ quan đều không phát hiện được” - ông Long nói.

Tham nhũng như hạt ngô, lãng phí có thể như bắp ngô

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn tồn đọng lớn. Tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, trong năm 2024 nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, được tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh điều tra.

Tuy nhiên ông Văn nhìn nhận, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều khó khăn vướng mắc. Đơn cử, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Công tác giám định, định giá tài sản có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu chưa được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về pháp lý, gây khó khăn cho thi hành án.

Thượng tá Lê Phi Long cho hay, tình hình tham nhũng về kinh tế diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, thậm chí trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, có sự đan xen khu vực công và khu vực tư trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm ngày càng rõ nét.

Từ thực tiễn công tác đấu tranh, ông Long cho biết, nổi lên là các sai phạm lớn trong các lĩnh vực: đất đai, đấu thầu, xây dựng cơ bản, đầu tư tài chính, ngân hàng, đăng kiểm, đăng ký, cấp phép các dự án... với tính chất mức độ thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, có sự cấu kết móc nối giữa cán bộ thoái hoá biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo ông Long, công tác phòng, chống tham nhũng còn khó khăn nhất định như: một số văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng còn có sự bất cập. Quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực còn sơ hở để tội phạm lợi dụng. Do đó tới đây sẽ tham mưu cho các cơ quan tiến hành nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các bộ luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự để đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng.

Nhận định “lãng phí là vấn đề rất lớn”, ông Long cho rằng thời gian tới cần tập trung xử lý lãng phí gắn liền với tham nhũng, tiêu cực để đảm bảo hiệu quả đồng bộ hơn. Trong đó, nghiên cứu đề xuất phối hợp với các bộ, ngành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh xây dựng văn hoá liêm chính, văn hoá thực hành tiết kiệm chống lãng phí, vì lãng phí là rất lớn. “Tham nhũng như hạt ngô thì lãng phí có thể như bắp ngô”- ông Long nói.

Cùng với đó, theo ông Long, cần đẩy mạnh kiểm soát quyền lực trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Phát huy vai trò của nhân dân trong phòng ngừa xã hội đối với hành vi tham nhũng, nắm tình hình để ngăn chặn tham nhũng từ sớm, từ xa. Ngoài phòng, chống tham nhũng trong khu vực công thì tới đây cần tập trung đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong khu vực tư theo quy định của pháp luật.

H.Vũ