Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: Người tận tụy với văn chương
Tôi được gặp nhà văn Đỗ Viết Nghiệm từ khá sớm. Đó là Trại viết Đồ Sơn năm 1996. Khi đó tôi đang là binh nhất học ở Trường Lái xe 255 - Tổng cục Kỹ thuật được nhà văn Khuất Quang Thụy đèo xe máy lên Sơn Tây làm việc với Ban Giám hiệu để tôi được đi dự Trại viết.
Khi đó nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã mang quân hàm Trung tá được phân công phụ trách trại toàn những tên tuổi lừng lững như Lò Cao Nhum, Mạnh Lê, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Qúy, Nguyễn Tiến Hải, Phùng Kim Trọng và hai chị nữ xinh đẹp Như Bình và Trần Thanh Hà. Trại viết văn đó là bước ngoặt đối với tôi và nhiều anh chị em. Sau Trại viết nửa năm, tôi được điều chuyển công tác về Truyền hình Quân đội nhân dân - một cơ quan đáng mơ ước nhất trong toàn quân lúc bấy giờ. Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm chuyển về Tạp chí Văn nghệ quân đội làm đại diện ở phía Nam cũng là bước ngoặt với anh. Tôi và nhà văn Đỗ Viết Nghiệm gắn bó với nhau từ ngày đó.
Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Đỗ Viết Nghiệm luôn giàu chi tiết, văn phong mạch lạc, cốt truyện rõ ràng, thấm đẫm chất đời sống, nhất là phẩm chất con người Nam bộ chính là thế mạnh của anh.
Tôi với anh gắn bó nhiều với nhau nhất trong thời kì 10 năm tôi ở Truyền hình Quân đội nhân dân. Khi đó, tôi thường hay vào TP Hồ Chí Minh thực hiện các bộ phim chân dung về văn nghệ sĩ. Đó là các phim về họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, họa sĩ Huỳnh Phương Đông, họa sĩ Phạm Thanh Tâm, nhà văn Nguyễn Thi, nhà văn Thanh Giang, nhà văn Nguyễn Khải,… đều được anh và nhà báo Trịnh Hòa, nhà báo Đoàn Hoài Trung tận tình giúp đỡ.
Tôi cũng chẳng hiểu tại sao các anh, nhất là nhà văn Đỗ Viết Nghiệm luôn tận tình với tôi như vậy. Anh còn nhiều lần bỏ tiền túi chiêu đãi đoàn làm phim. Trong cuộc làm phim về nhà văn Thanh Giang, anh thậm chí còn là người dẫn truyện trong phim rất thuần thục. Cuộc làm phim về nhà văn - Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thi anh đã cùng tôi bôn ba nhiều điểm ở TP Hồ Chí Minh, ở nghĩa trang, ở gia đình thực hiện các cảnh quay. Nếu không có anh, chắc chắn tôi sẽ không thực hiện được bộ phim tài liệu về nhà văn Nguyễn Thi, tiền đề để chúng tôi đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi.
Cũng chính là Đỗ Viết Nghiệm đã dành thời gian, trí tuệ và tâm huyết để thực hiện cuộc Tọa đàm mang dáng dấp một Hội thảo khoa học về Nguyễn Thi. Cuộc đó, giới văn bút, nhất là anh chị em văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh đã thêm hiểu biết toàn diện và thấu đáo, cả những khuất khúc đời thường, cả cá tính khác thường của Nguyễn Thi - vốn là người được phân công phụ trách Văn nghệ quân giải phóng - cánh tay nối dài của Văn nghệ quân đội trong chiến tranh chống Mỹ.
Cuộc Tọa đàm đó, tôi được phân công làm công tác tổ chức cùng với Đỗ Viết Nghiệm. Tính anh rất cẩn thận và luôn chu toàn công việc. Kể cả những việc khó như tham gia làm công tác tư liệu để hoàn thiện hồ sơ phong anh hùng cho liệt sĩ Nguyễn Thi thì Đỗ Viết Nghiệm càng vô cùng cẩn trọng. Anh cùng với người em kết nghĩa của Nguyễn Thi là Mộng Hùng không kể đêm ngày sáng tối tìm tòi và hệ thống các khu vực tài liệu, bài viết, bản thảo của Nguyễn Thi. Tấm lòng của các anh với người đã khuất thật vô cùng tình nghĩa.
Đỗ Viết Nghiệm rất chăm sáng tác. Năm nào tôi vào TP Hồ Chí Minh công tác cũng đều được anh tặng những cuốn sách mới. Tiêu biểu phải kể đến: Hoa mưa (tập truyện ngắn, NXB Văn học năm 1998); Dòng sông phù sa (tiểu thuyết, NXB Văn học năm 2000); Khúc đồng dao (tập truyện ngắn, NXB QĐND năm 2002); Rừng không cây (tập truyện ngắn, NXB QĐND năm 2004); Cơm vua (tập truyện ngắn, NXB QĐND năm 2008); Đường đen nước đỏ (tiểu thuyết, NXB QĐND năm 2011. Đã tái bản lần thứ 3); Nguyễn Văn Trà - người Anh hùng An ninh Nhân dân (truyện ký, NXB CAND năm 2012); Chim Lạc bay về (tiểu thuyết, NXB LĐ năm 2014); Công viên xanh Nhiêu Lộc Thị Nghè (tập ký, NXB VHVN năm 2015); Nguyễn Văn Đức - Người Anh hùng Tàu không số huyền thoại (truyện ký, NXB Hội nhà văn, năm 2018); SYMPHONY - Ký ức Đồng Khởi ở Boston (tiểu thuyết, NXB CAND, năm 2020); Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ (truyện ký, NXB Thanh Niên, năm 2021)… đều là những cuốn sách viết về chiến tranh cách mạng, viết về người lính trong cơ chế thị trường sôi động và quyết liệt. Văn của Đỗ Viết Nghiệm tung tẩy, lấp lánh và giàu chất thơ, chất tự sự rất riêng đã tạo nên một tên tuổi văn xuôi phía Nam của Văn nghệ quân đội. Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Đỗ Viết Nghiệm luôn giàu chi tiết, văn phong mạch lạc, cốt truyện rõ ràng, thấm đẫm chất đời sống, nhất là phẩm chất con người Nam bộ chính là thế mạnh của anh. Những cuốn sách Đỗ Viết Nghiệm tặng tôi đều đọc và có phản hồi với anh. Sách của tôi cũng vậy, anh đọc rất kỹ và luôn có ý kiến với lứa nhà văn tuổi tác sau mình. Chính các anh với sự đọc và hiểu biết như vậy, đã giúp đỡ tôi rất nhiều trên con đường văn bút.
Anh tâm sự về nghề: “Viết văn là một nghề cực nhọc, nhưng dễ bị mê hoặc bởi cái đẹp ma mị của nó, chính thế đôi khi làm chúng ta ảo tưởng. Một lý do khác, văn chương giống như một thứ gia vị thiếu nó cuộc sống trở nên nhạt nhẽo. Phải chăng đó là lý do nhiều người vẫn say nghề viết văn, dù thành công đến với họ không nhiều. Tôi cũng yêu văn chương, điều đó thôi thúc tôi viết, và tôi vẫn cố gắng mỗi ngày bởi văn chương giúp ta nhận ra là chính mình có vui, có buồn. Và tôi tràn ngập hạnh phúc mỗi lần có ai đó nhắc đến tên mình, khi đang ngồi cùng đám đông bạn bè buổi sáng nhâm nhi ly cà phê thơm ngào ngạt”.
Ở Văn nghệ quân đội, mỗi dịp tết đến, cơ quan thường tổ chức buổi gặp mặt cuối năm rất ấm cúng. Các anh phía Nam khi ra ngoài Bắc đều được chúng tôi luân phiên tiếp đón chân thành như các anh đón tiếp chúng tôi ở trong Nam. Ngày còn ở truyền hình, mỗi kì cuộc Đỗ Viết Nghiệm ra Bắc, tôi đều tổ chức đón tiếp, còn rủ anh về tận thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên quê tôi thăm đình chùa.
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm còn rất gắn bó với Trung tá Mai Hoa Phượng ở thành phố Đà Nẵng. Các ông cùng là lính chiến trên địa bàn Quân khu 5 vào sinh ra tử qua những câu chuyện đã càng cho chúng tôi hiểu biết và trân trọng cuộc sống trong hòa bình hôm nay. Mỗi khi tôi vào Đà Nẵng đều được các vị thế hệ đi trước tiếp đón chân thành cũng là làm gương cho chúng tôi học tập.
Đỗ Viết Nghiệm trong cuộc sống anh rất chỉn chu song trong sáng tác lại rất phóng khoáng, thậm chí biên độ viết rất rộng khiến mọi người kinh ngạc. Cái cách Đỗ Viết Nghiệm viết về những người trong lòng cuộc chiến, nhất là thân phận những người phụ nữ trong chiến tranh khiến chúng ta phải day dứt, phải trăn trở và phải có hành động để số phận của họ được chia sẻ, có được lẽ công bằng. Đó cũng là chức năng và phẩm chất của nhà văn. Đó cũng là chức năng và phẩm chất của Đỗ Viết Nghiệm.
Thấm thoát Đỗ Viết Nghiệm nghỉ hưu đã được hơn chục năm. Vậy mà tôi luôn thấy anh vẫn như đang ở cơ quan phía Nam. Kỳ cuộc nào vào công tác tôi cũng đều được anh đón tiếp, cùng ăn cơm, rồi cứ thế la đà câu chuyện bếp núc văn chương. Khi nhà văn Văn Lê còn sống, cuộc nào tôi cũng được hai ông anh rất tận tình trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Có nhiều cuộc, thêm nhà thơ Thanh Tùng lừng danh với Thời hoa đỏ cứ thế dắt díu nhau đi làm phim, viết kịch bản văn học.
Anh tâm sự về nghề: “Viết văn là một nghề cực nhọc, nhưng dễ bị mê hoặc bởi cái đẹp ma mị của nó, chính thế đôi khi làm chúng ta ảo tưởng. Một lý do khác, văn chương giống như một thứ gia vị thiếu nó cuộc sống trở nên nhạt nhẽo. Phải chăng đó là lý do nhiều người vẫn say nghề viết văn, dù thành công đến với họ không nhiều. Tôi cũng yêu văn chương, điều đó thôi thúc tôi viết, và tôi vẫn cố gắng mỗi ngày bởi văn chương giúp ta nhận ra là chính mình có vui, có buồn. Và tôi tràn ngập hạnh phúc mỗi lần có ai đó nhắc đến tên mình, khi đang ngồi cùng đám đông bạn bè buổi sáng nhâm nhi ly cà phê thơm ngào ngạt”.