Ngân hàng tăng tốc huy động vốn
Nền kinh tế có sự phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất và kinh doanh, do đó các ngân hàng đã chuẩn bị nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm.
Tín dụng tăng 12,5%, cao hơn tốc độ huy động vốn
Số liệu được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú công bố cho biết, tính đến 7/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%. So với cùng kỳ năm 2023 tăng trưởng tín dụng mới chỉ tăng được 9% thì con số năm nay là khá tích cực. Tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15.300.000 tỷ đồng; huy động vốn cũng đã đạt được khoảng 14.800.000 tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay tăng nhanh hơn năm trước, ông Tú cho rằng, nền kinh tế đã và đang có nhiều thuận lợi, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả lĩnh vực: Xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp nhìn chung đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư chung đã có thuận lợi…
Vai trò có tính chất quyết định trong việc tăng trưởng tín dụng này, theo ông Tú là do biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước. “Ngay từ đầu năm, chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% và đã điều hành quyết liệt mặc dù cơn bão số 3 gây ảnh hưởng. Nếu không bị ảnh hưởng thì tăng trưởng tín dụng năm nay có thể còn cao hơn con số này” - ông Tú cho hay.
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong việc xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng của mình. Ngân hàng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng chủ động trong việc tăng thêm hạn mức mà không chờ Ngân hàng Nhà nước thông báo như những năm trước đây.
Ngân hàng huy động vốn
Theo khảo sát của các tổ chức tín dụng, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trung bình 3,2% trong quý IV và 7,9% trong cả năm 2024. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống cũng dự kiến tăng bình quân 4,8% trong quý cuối năm và đạt 13,2% cho cả năm, dù mức này đã điều chỉnh giảm nhẹ so với dự báo trước đó. Những con số này cho thấy áp lực huy động vốn đang gia tăng, buộc các ngân hàng phải tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút nguồn tiền từ dân cư.
Nhóm chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, việc tăng lãi suất đầu vào là cần thiết để giữ thanh khoản ổn định trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm. Điều này cũng cho thấy sự linh hoạt của ngân hàng trong việc đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nền kinh tế, đồng thời duy trì sự an toàn và tính thanh khoản cho hệ thống. Theo VDSC, lãi suất huy động tăng sẽ giúp ngân hàng đảm bảo dòng vốn phục vụ tín dụng, trong khi vẫn thu hút được tiền gửi từ khách hàng trong điều kiện biến động.
Hiện nay các ngân hàng cũng đang ráo riết tăng huy động vốn. Khảo sát thực tế cho thấy, từ đầu tháng 11/2024 đến nay, hơn 10 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng lên 5,95%/năm, trong khi kỳ hạn 13 tháng chính thức vượt ngưỡng 6%/năm. Mức lãi suất hơn 6%/năm cho các kỳ hạn dài hiện đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng.
Thực tế, các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi chủ yếu vì lãi suất đã giảm sâu trong thời gian qua. Việc này giúp các ngân hàng duy trì thị phần và thu hút nguồn tiền gửi khi nhu cầu tín dụng dần hồi phục. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng thương mại phụ thuộc vào thanh khoản của từng ngân hàng. Những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lãi suất huy động, trong khi những ngân hàng khó đạt được tăng trưởng tín dụng vào cuối năm sẽ khó tăng lãi suất. Các ngân hàng quốc doanh thường có thanh khoản tốt hơn so với các ngân hàng nhỏ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế sẽ có sự phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất và kinh doanh, do đó các ngân hàng cần chuẩn bị nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm. Ngoài ra, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thanh khoản, bảo đảm dòng tiền cho các hoạt động cho vay, đồng thời duy trì sự ổn định cho hệ thống tài chính. Bên cạnh nhu cầu tăng trưởng tín dụng, việc tăng lãi suất huy động cũng là một chiến lược để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.