Syria trong cơn biến động
Các nhóm quân sự đối lập tại Syria tiến vào thủ đô Damascus ngày 8/12. Chính phủ sụp đổ, Tổng thống Bashar al-Assad Assad rời khỏi đất nước sau 24 năm cầm quyền. Căng thẳng gia tăng khắp khu vực Trung Đông.
Kể từ khi các lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu phát động cuộc tấn công bất ngờ ngày 27/11 nhằm vào khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát, chỉ mất 11 ngày để đưa Syria trở thành tâm điểm truyền thông quốc tế và khiến “lò lửa” Trung Đông liên tục tăng nhiệt. Đà tiến quân của các lực lượng quân sự đối lập gặp rất ít sự kháng cự từ quân đội Chính phủ của ông Assad, khi lần lượt tiến vào những địa điểm chiến lược, trong đó có việc kiểm soát 4 thành phố Daraa, Quneitra, Suwayda và Homs chỉ trong vòng 24 giờ, trước khi tiến vào thủ đô Damascus.
Những diễn biến tại Syria là hết sức nhanh chóng, không chỉ các nước khu vực Trung Đông bất ngờ mà thế giới cũng sửng sốt, nhất là khi tình trạng xung đột tại Syria đã được coi là "đóng băng" kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, lãnh đạo liên minh lực lượng quân sự đối lập, ông Abu Mohammed al-Julani, thủ lĩnh nhóm vũ trang HTS, cho biết những cuộc nổi dậy vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Ngay sau khi các lực lượng nổi dậy tiến vào Thủ đô Damascus, Chủ tịch Liên minh dân tộc Syria (SNC) Hadi al-Bahra đã đưa ra đề nghị Syria nên có 18 tháng chuyển giao quyền lực để có thể tổ chức bầu cử an toàn và trung lập. Ông al-Bahra cũng cho biết liên minh đối lập đã yêu cầu nhân viên chính phủ Syria hiện tại tiếp tục công việc cho đến khi hoàn tất chuyển giao quyền lực và họ sẽ “không bị làm hại”.
SNC bao gồm tập hợp các nhóm đối lập tại Syria được thành lập vào năm 2012 tại Doha (Qatar), với mục tiêu thúc đẩy hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Ngày 9/12/2024, liên minh đối lập cho biết họ đang làm việc để chuyển giao quyền lực cho một cơ quan quản lý chuyển tiếp có toàn quyền hành pháp. Trong khi đó, truyền thông quốc tế xác nhận Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gia đình đã đến Nga và được cấp quyền tị nạn vì lý do nhân đạo.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/12, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo, các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã không kích hơn 75 mục tiêu của IS tại Syria, gồm các vị trí chỉ huy của tổ chức. Đợt không kích được tiến hành bởi các máy bay ném bom B-52, chiến đấu cơ F-15 và A-10 nhằm ngăn chặn tổ chức IS lợi dụng tình hình chính quyền Syria sụp đổ để tái xây dựng lực lượng tại miền trung Syria. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo đây là thời khắc tiềm ẩn rủi ro và bất định "khi tất cả chúng ta đều tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Vậy, nguyên nhân nào khiến Chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad sụp đổ nhanh chóng? Theo Giáo sư David Des Roches tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh Cận Đông Nam Á, thành công chớp nhoáng của lực lượng nổi dậy Syria là do thiếu tinh thần và lãnh đạo yếu kém cùng với tệ nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội Syria. “Trong bối cảnh đó, binh lính chính phủ đơn giản là không sẵn sàng mạo hiểm”. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia Trung Đông vẫn còn phải lo tình hình phức tạp tại chính nước mình nên cũng chỉ “đứng nhìn” mà không có hành động nào đáng kể.
Câu hỏi tiếp theo: Trung Đông sẽ ra sao sau khi nội chiến Syria xuất hiện bước ngoặt lớn chưa từng có?
Mặc dù Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali tuyên bố sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân lựa chọn và sẵn sàng cho quá trình chuyển giao, nhưng việc Damascus thất thủ đã đặt dấu chấm hết cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad thì đây chính là một đòn “choáng váng” cho toàn bộ khu vực Trung Đông vốn đã như một “lò lửa”. Nhất là khi Israel liên tục đòi hỏi Hezbollah không được tái vũ trang, không chỉ ở Liban mà còn ở Syria.
Sự sụp đổ quyền lực kéo dài 24 năm của ông Bashar al-Assad Assad càng đặt Syria cũng như Trung Đông vào tình thế khó lường khi mà xung đột Israel - Hamas chưa chấm dứt.
“Rất khó để nói rằng việc Damascus thất thủ sẽ gây phản ứng liên hoàn ở Trung Đông. Nhưng hoàn toàn có thể thấy người dân Syria sẽ phải chịu đựng khó khăn kéo dài và đất nước này tiếp tục trở thành điểm nóng của thế giới” - ngày 9/12, Al Jazeera, kênh truyền hình tiếng Ả Rập đưa ra bình luận.
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria cho biết, Đại sứ quán đã đề nghị phía Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Syria, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ bảo hộ công dân Việt Nam (nếu có); cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Syria vào thời điểm này. Trong trường hợp công dân Việt Nam đang ở Syria cần khẩn trương sơ tán người và tài sản đến nước thứ ba hoặc trở về Việt Nam. Nếu cần được hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, đề nghị công dân liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria theo số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.