Kinh tế

Phát triển thị trường tài sản số

THANH GIANG 10/12/2024 12:13

Trước sự phát triển đầy tiềm năng của tài sản số, các chuyên gia kinh tế khẳng định, cần thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý tài sản số. Theo đó, việc ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ giúp hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu trong tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Anh CV
Tài sản số bao gồm nhiều dạng như: dữ liệu, nội dung số, tiền mã hóa hay các phần mềm trí tuệ nhân tạo… Ảnh: AI.

Tiềm năng lớn

Theo nhận định của ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tài sản số đang trở thành một yếu tố quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế số. Không giống các loại tài sản truyền thống, tài sản số bao gồm nhiều dạng như: dữ liệu, nội dung số, tiền mã hóa hay các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Những loại tài sản này không chỉ định hình cách thức doanh nghiệp (DN) vận hành mà còn thay đổi cách nền kinh tế toàn cầu kết nối và tăng trưởng.

Giới chuyên gia khẳng định, blockchain là thị trường rất lớn Việt Nam không nên bỏ qua. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường tiền điện tử đạt 66% tốc độ tăng trưởng hàng năm với 191 tỷ USD trong năm 2019 và lên 2,4 tỷ USD năm 2024. Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu, đứng đầu Đông Nam Á về áp dụng tiền điện tử. Theo bà Gracy Chen – Giám đốc điều hành Bitget, thị trường blockchain Việt Nam được định giá khoảng 850 triệu USD năm 2023. Dự đoán, con số này sẽ tăng khoảng 17,4% mỗi năm, giai đoạn 2023-2029. Doanh thu từ phân khúc tiền điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2024, với doanh thu trung bình ước tính trên mỗi người dùng là 64,4 USD.

Đề cập về thị trường tài sản số, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, giai đoạn 2021 - 2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ. Nói về triển vọng, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2024, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD, giảm so với mức 120 tỷ USD của năm 2023 nhưng vẫn gấp khoảng 4 lần tổng số vốn đầu tư FDI và tương đương 1/4 so với tổng GDP cả nước. “Việt Nam có Chính phủ số, kinh tế số, công dân số nhưng lại chưa có pháp lý tài sản số. Khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, một phần trong số vốn này có thể sẽ được chuyển sang khu vực hợp pháp, đóng góp tích cực cho nền kinh tế và giảm thiểu những nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố hay lừa đảo trên không gian mạng đang rất nhức nhối hiện nay” - ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.

ảnh bài chính
Việt Nam đã và đang hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho thị trường tài sản số phát triển.

Hoàn thiện khung pháp lý

“Sau nhiều lần sửa đổi, Luật Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS) đã đưa ra những định nghĩa rất phù hợp với không chỉ bản chất của tài sản số, phân biệt rõ tài sản số và tài sản mã hoá mà còn rất phù hợp với các quy định pháp lý hiện tại và tương đồng với hệ thống quy định của một số nền kinh tế như Mỹ”- ông Phan Đức Trung chia sẻ. Cũng theo vị này, khi tài sản số được chính thức định nghĩa và điều chỉnh bởi Luật CNCNS sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người dùng và giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy kinh tế số, thu hút đầu tư, tăng cường đổi mới sáng tạo và cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Lê Nam Trung cũng cho rằng, một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ và tiên tiến là yếu tố quyết định để phát triển tài sản số, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai những chính sách pháp lý quan trọng về tài sản số. Điển hình, Hoa Kỳ tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng, xác định rõ ràng quyền sở hữu tài sản số và các quy định về giao dịch tiền mã hóa thông qua Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) cùng các cơ quan liên quan. Liên minh châu Âu ban hành Đạo luật Quản lý tài sản số (MiCA), tập trung vào việc điều chỉnh các loại tài sản mã hóa và hệ thống thanh toán liên quan, đảm bảo tính minh bạch, an toàn, và ổn định tài chính. Singapore xây dựng môi trường pháp lý linh hoạt và hỗ trợ đổi mới, thông qua các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ blockchain, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tài chính. Tuy nhiên, theo ông Trung, tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp, hiện trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ về vấn đề này.

Với góc nhìn của đơn vị soạn thảo văn bản pháp quy, bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin – Truyền thông nêu rõ, Luật CNCNS được xây dựng theo hướng thúc đẩy hơn là quản lý cứng lĩnh vực CNCNS nói chung và tài sản số nói riêng. Bà Hằng nhận định, tài sản số trên thế giới chủ yếu đang thể hiện dưới dạng tài sản mã hoá, rất đa dạng về hình thức mà pháp luật hiện hành không thể quản lý hết chỉ bằng 1 bộ luật duy nhất. Nếu muốn quản lý hết tất cả các loại hình tài sản này thì chúng ta sẽ phải sửa rất nhiều luật khác như Luật Dân sự, Luật Ngân hàng,... “Luật CNCNS bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp, công nghệ số. Trong đó, đơn vị soạn thảo đã dành tới gần 10% thời lượng của Luật, (6 điều trong tổng số 73 điều) cho thấy sự quan tâm đối với lĩnh vực tài sản số là đang rất lớn. Cơ quan quản lý chưa bao giờ từng có ý định cấm tài sản số mà chỉ cân nhắc hài hoà lợi ích giữa thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền lợi, quản trị rủi ro” - bà Hằng nói.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, Việt Nam đã có những nền tảng nhất định cho chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số nền kinh tế nói riêng đã bước đầu phát triển theo quy mô và mức độ khác nhau. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số ngày càng đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững, cần hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế; đồng thời, linh hoạt thực hiện đồng bộ các giải pháp đối với từng giai đoạn của quá trình phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.

Hạ tầng số đã đạt những kết quả tích cực

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đặt mục tiêu: Về phát triển Chính phủ số, đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử - bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm - được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. Về phát triển kinh tế số, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII)... Thời gian qua, phát triển hạ tầng số đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có gần 80% người dân sử dụng internet; đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm còn lại sẽ hoàn thành trong 2024); thử nghiệm mạng di động 5G tại hơn 50 tỉnh, thành phố.

T.X

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM:

Ngành tài chính – ngân hàng sẽ chịu tác động

Ảnh 2-PGS.TS Nguyễn Đức Trung

Tài chính - ngân hàng là lĩnh vực sẽ chịu tác động đầu tiên khi tài sản số có hiệu lực, từ việc thay đổi những sản phẩm, dịch vụ có sẵn, đến việc tạo ra một lớp tài sản hoàn toàn mới đi cùng với những sản phẩm, dịch vụ cũng chưa từng có trước đây. Ngoài ra, cùng với sự bùng nổ của tài sản số, nhận thức về quản lý tài sản số, thể hiện trong các quy định pháp luật cũng cần phải được nhìn nhận đa chiều, không chỉ ở góc độ thúc đẩy mà còn phải cân nhắc đến việc quản trị rủi ro, đảm bảo các quy định pháp luật là phù hợp với thực tiễn và lâu bị thay đổi nhất để đảm bảo sự ổn định của môi trường pháp lý.

Ông Trần Huyền Dinh – Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần AlphaTrue:

Tài sản số thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp công nghệ

Ảnh 3-Ông Trần Huyền Dinh

Hành lang pháp lý rõ ràng về tài sản số sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp công nghệ. Giá trị tài sản số đang hiện hữu trên chuỗi (on-chain) đã lên tới hàng nghìn tỷ USD và vẫn đang tiếp tục tăng với các xu hướng nổi bật như Token hoá tài sản thực (RWA) đang giải quyết những bài toán căn bản nhất mà chúng ta thường lo ngại khi nhắc đến tài sản số là vừa đảm bảo tính thanh toán, vừa đảm bảo khả năng tiếp cận và bảo mật. RWA có thể sẽ là xu hướng lớn nhất trong tài sản số mà không chỉ các doanh nghiệp Web3 mà giới tài chính truyền thống cũng đang rất quan tâm.

T.Giang (ghi)

THANH GIANG