Phim hoạt hình và những cơ hội bứt phá
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Hoạt hình lần thứ I diễn ra tại Hà Nội và TPHCM mới đây, 4 dự án phim hoạt hình điện ảnh “make in Vietnam” đã được ra mắt. Đây là sự kiện đánh dấu bước đi táo bạo của các doanh nghiệp sản xuất hoạt hình trong nước. Hay nói như PGS.TS Bùi Hoài Sơn, khó tưởng tượng được hoạt hình Việt Nam đã phát triển mạnh đến thế...
Phải tạo được bản sắc riêng
Gần 800 tác phẩm phim hoạt hình ra đời trong khoảng 10 năm gần đây với quy mô sản xuất 25 - 30 phim/năm, đóng góp 10 - 15% doanh thu cho toàn ngành điện ảnh. Con số đó khẳng định những nỗ lực sáng tạo không ngừng của các đạo diễn, nhà làm phim. Các tác phẩm hoạt hình nổi bật của Việt Nam phải kể đến như: “Wolfoo”, “Trạng Quỳnh thời nhí nhố”, “Thỏ bảy màu”, “Lớp học mật ngữ”... Trong đó, chú sói nhỏ Wolfoo với cách truyền tải thông điệp nhẹ nhàng, gần gũi, giàu tính nhân văn thông qua những tình huống thực tế của cuộc sống hàng ngày đã chinh phục hàng triệu khán giả nhỏ tuổi cũng như các bậc phụ huynh trên toàn thế giới.
Theo Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) Tạ Mạnh Hoàng, Việt Nam có khoảng 200 công ty, studio lớn nhỏ có thể tham gia hoạt động sản xuất phim hoạt hình ở các mức độ khác nhau. Năng lực sản xuất phim cũng đạt những thành tựu đáng kể, đặc biệt là đảm nhiệm gia công sản xuất phim hoạt hình cho nhiều studio lớn trên thế giới.
Có thể nói, công nghệ số phát triển không ngừng đang mở ra nhiều cơ hội cho phim hoạt hình. Cùng với đó, các dự án từ nước ngoài mang lại nguồn thu khổng lồ, cũng ngày càng khơi dậy khát khao của các nhà làm phim hoạt hình Việt. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định, khó tưởng tượng được hoạt hình Việt Nam của chúng ta đã phát triển mạnh đến thế. “Các bạn đã giúp chúng tôi có thêm niềm tin, sự tự hào vào một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền công nghiệp điện ảnh nói riêng và lĩnh vực văn hoá của quốc gia nói chung” - ông Sơn nhấn mạnh
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nêu cụ thể những vấn đề để có thể thúc đẩy phát triển điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, trong đó hoạt hình là lĩnh vực quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp này. Nhấn mạnh 4 trụ cột then chốt mà các nhà sáng tạo, các doanh nghiệp sản xuất cần lưu ý. Trong đó, cần chú trọng khả năng khai thác kho tàng văn hóa dân tộc. Việt Nam có kho tàng văn hóa, nghệ thuật phong phú, những câu chuyện, truyền thuyết, nhân vật, sự tích, dấu ấn trong lịch sử dân tộc chính là nguồn tư liệu quý giá để tạo nên những sản phẩm điện ảnh có bản sắc riêng giữa thị trường điện ảnh hoạt hình thế giới.
Bước chuyển mình quan trọng
Chia sẻ với phóng viên, đạo diễn Nguyễn Quang Trung - giảng viên khoa Thiết kế mỹ thuật (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), người đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Bông sen Bạc” cho phim “Nụ cười” - thể loại phim hoạt hình tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 cho rằng, những kết quả đạt được thời gian qua của dòng phim hoạt hình đã chứng minh sự nỗ lực vượt bậc và không ngừng sáng tạo của các nhà làm phim. Về phía nhà nước, ngoài kinh phí đặt hàng cho việc sản xuất phim hoạt hình hàng năm, Bộ VHTTDL còn tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản phim hoạt hình nhằm tìm kiếm những kịch bản tốt để có kế hoạch đầu tư.
“Phim hoạt hình không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Ngoài việc đầu tư về con người thì đầu tư về cơ sở vật chất cũng là một khoản đầu tư rất lớn. Đây là một khó khăn đối với những nhà làm phim khi muốn đưa phim ra rạp. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng quá trình làm phim cũng là quá trình các nghệ sĩ được trải nghiệm, được làm việc và trưởng thành trong môi trường chuyên nghiệp. Điều này sẽ có tác dụng tích cực, góp phần tạo nên một thế hệ những nhà làm phim hoạt hình tài năng” - đạo diễn Nguyễn Quang Trung nói.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Trung, việc ra mắt 4 dự án phim hoạt hình là một sự kiện mang tính bước ngoặt, một bước chuyển mình quan trọng của điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Hiện một số studio như Colory Animation, Dee Dee Animation Studio, Red Cat motion Studio, Sconnect với sức trẻ và nhiều năng lực sáng tạo cũng đã sản xuất được những bộ phim hoạt hình ngắn được khán giả yêu thích và đoạt được một số giải thưởng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy vẫn đang thiếu những bộ phim hoạt hình điện ảnh, những bộ phim chất lượng cao, khẳng định khả năng sáng tạo của người Việt. Việc này theo ông Trung cũng dễ lý giải. Hiện để làm một bộ phim hoạt hình, phải đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn như hình ảnh, âm thanh, tiếng động. Kịch bản phải được xây dựng hấp dẫn nhất, tạo hình nhân vật phải được thiết kế tỉ mỉ nhất, diễn xuất phải sinh động nhất, kỹ xảo phải bắt mắt nhất… Tất cả các công đoạn này đều đòi hỏi công sức, tiền bạc, thời gian và sự sáng tạo không ngừng.
Ngoài ra, quảng bá tiếp thị, chọn thời điểm để bộ phim ra mắt làm sao đến được được với khán giả nhiều nhất cũng là một trong những khó khăn. Khi mang phim ra rạp nghĩa là các nhà làm phim phải cạnh tranh với những bộ phim hoạt hình quốc tế được sản xuất bởi những hãng phim có nhiều kinh nghiệm và năng lực tài chính. Khán giả xem phim chắc chắn không đơn thuần chỉ vì ủng hộ phim Việt mà họ còn đòi hỏi được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và hấp dẫn. “Đáp ứng được kỳ vọng của khán giả cũng là một trong những thách thức khi mà khán giả ngày càng khắt khe, đặc biệt khi so sánh với những bộ phim hoạt hình nước ngoài thành công trước đó”- đạo diễn Nguyễn Quang Trung chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Trung:
Việc làm phim ngày càng dễ dàng hơn
Làm một bộ phim cần rất nhiều thời gian, kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm với sự tham gia của các thành phần sáng tạo như đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, nhạc sĩ...
Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc làm phim hiện tại chưa bao giờ thuận lợi như thế. Chúng ta có thể dễ dàng tìm được những hướng dẫn, chia sẻ về quá trình làm phim của những nhà làm phim nổi tiếng. Bên cạnh việc vẽ tay truyền thống thì các phần mềm máy tính cũng hỗ trợ các nhà làm phim rất nhều từ quá trình tạo hình, chuyển động, dựng phim… Thậm chí một số công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) còn giúp cho quá trình làm phim trở nên thuận lợi hơn.
Hiện tại tôi đang thực hiện một dự án phim hoạt hình về đề tài khoa học nhằm kích thích sự sáng tạo và tình yêu khoa học của các bạn nhỏ từ 8 - 12 tuổi. Phim dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 9/2025. Hy vọng, cùng với 4 bộ phim vừa ra mắt, dự án sẽ góp thêm sự phong phú cho dòng phim hoạt hình Việt Nam.