Giám sát nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân
Chiều 11/12, tại kỳ họp cuối năm 2024, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát và xây dựng chính quyền năm 2024.
Theo bà Phạm Thị Thu Hà, trong nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ các cấp ở Hà tĩnh đã chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai 258 cuộc giám sát.
Nội dung giám sát tập trung lựa chọn gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và đặc biệt liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, MTTQ các cấp ở địa phương này đã phối hợp tổ chức phản biện xã hội 242 văn bản, góp ý 123 văn bản.
Bà Phạm Thị Thu Hà cho hay, qua triển khai nắm tình hình nhân dân và giám sát việc lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, cử tri và nhân dân mong muốn các cấp, các ngành sớm có phương án trong sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, gần dân, sâu sát với nhân dân; có năng lực và trách nhiệm để đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý đơn vị hành chính có quy mô lớn.
Kịp thời quan tâm, có chính sách “đủ mạnh” đối với việc tinh giản cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, tránh lãng phí.
Đối với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh, có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, chưa đồng đều; ý thức tự giác, tính chủ động, vai trò tự quản trong quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao của một số cộng đồng dân cư có thời điểm chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá hoạt động phong trào, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hàng năm chưa thường xuyên, sâu sát, chủ yếu còn lồng ghép.
“Cử tri và nhân dân kiến nghị UBND tỉnh cần có giải pháp xử lý những bất cập trong thực hiện Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ và Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 của UBND tỉnh về đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa tại cơ sở. Việc giao Ban công tác Mặt trận và liên đoàn cán bộ bình xét gia đình văn hóa đối với các thôn, tổ dân phố không sát thực tế, khó tổ chức bình xét. Một số tiêu chí không phù hợp như “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”, theo đó những gia đình mới có 1 con sẽ không đạt”, bà Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà chia sẻ, cử tri và nhân dân đồng tình với chủ trương mới của Trung ương trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
“Đề nghị HĐND tỉnh, các cơ quan liên quan sớm có các đề án, chính sách vượt trội để tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đáp ứng phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý và chuẩn hóa chức danh”, bà Phạm Thị Thu Hà nói.
Đầu năm 2024 đến nay, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các tổ chức thành viên trong tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi hỗ trợ làm mới và sửa chữa 539 ngôi nhà, trị giá 25,221 tỷ đồng và hỗ trợ 1.311 mô hình thoát nghèo với hơn 6 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp kêu gọi, tiếp nhận để ủng hộ các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 được hơn 53 tỷ đồng.