Hiểm họa từ pháo nổ tự chế
Thời gian gần đây nhiều vụ tai nạn liên quan đến pháo nổ cho thấy thực trạng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, tự chế pháo nổ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho xã hội.
Cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, tình trạng tự chế pháo nổ trái phép để kinh doanh, rao bán qua mạng lại diễn biến phức tạp. Đã có nhiều vụ tai nạn chết người từ pháo nổ tự chế xảy ra, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh với nhiều người, nhất là khi trên mạng xã hội tình trạng mua bán tiền chất chế tạo pháo cũng như những đoạn clip hướng dẫn chế tạo pháo vẫn diễn ra công khai.
Không khó để tìm các video dạy cách chế tạo pháo nổ tại nhà. Chỉ cần gõ từ khóa “cách làm pháo” trên mạng sẽ có hàng loạt video hướng dẫn cách làm các loại pháo khác nhau. Bên cạnh những người tò mò học cách chế tạo pháo nổ qua mạng để sử dụng thì cũng có nhiều đối tượng hám lợi học công thức có sẵn trên mạng, mua nguyên liệu chế tạo pháo, thuốc nổ qua mạng để kinh doanh bất chấp nguy hiểm cho xã hội.
Thực tế, gần đây các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người liên tiếp xảy ra cho thấy một thực tế đáng báo động về tình trạng tự chế, buôn bán pháo nổ trái phép dịp cuối năm.
Điển hình, sáng 8/12, em T.T.N. (SN 2011, trú làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cùng bạn là L.H.L. và L.M.Q. đang chơi ở phòng khách của gia đình thì đi vào phòng ngủ gần bếp. Lúc này một tiếng nổ lớn phát ra từ khu vực bếp. Hậu quả, em N. bị thương nặng nằm bất tỉnh. Ngay lập tức, người thân đưa em N. đi cấp cứu tuy nhiên do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong. Thời điểm xảy ra vụ việc, gia đình không biết N. đã mua chất nổ, thuốc pháo ở đâu, khi nào.
Trường hợp khác, ngày 2/12, một vụ nổ lớn xảy ra tại nhà anh Trần Văn Thương (SN 1986, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) khiến anh Thương tử vong tại chỗ, vợ con nạn nhân bị thương. Tại hiện trường, ngôi nhà bị vỡ tường bao, cửa sổ và một số đồ vật bị hư hỏng. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do anh Thương quấn pháo tự chế trong nhà.
Mới đây, một vụ nổ lớn xảy ra tại căn nhà 3 tầng ở tổ 9, phường Quang Trung, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang). Vụ nổ khiến anh N.T.A. (27 tuổi - chủ nhà) bị thương nặng. Sau đó nạn nhân được đưa đi cấp cứu và tử vong tại bệnh viện do vết thương quá nặng. Vụ nổ cũng khiến ngôi nhà của nạn nhân bị hư hỏng. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc được ngành chức năng xác định là do anh A. tự chế pháo gây ra vụ nổ.
Dịp cuối năm tình hình buôn bán pháo nổ cũng diễn biến phức tạp mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ buôn bán pháo nổ trái phép. Công an tỉnh Phú Thọ gần đây đã tiếp nhận mẫu vật giám định gồm: 29 quả pháo hoa nổ tự chế; 3 quả pháo nổ; 22 đoạn dây ngòi pháo; 2 bộ điều khiển kích nổ pháo từ xa; các hóa chất và dụng cụ để chế tạo thuốc pháo từ lực lượng chức năng. Các đối tượng trong vụ việc khai nhận, đã mua các loại thiết bị và hóa chất này trên mạng sau đó sử dụng các dụng cụ để chế tạo thuốc pháo nổ, pháo hoa nổ và thiết bị kích nổ từ xa với mục đích sản xuất để bán và sử dụng. Đây cũng là vụ việc đầu tiên trên cả nước phát hiện, bắt giữ đối tượng có hành vi chế tạo, sản xuất và sử dụng pháo có kích nổ từ xa. Việc kích nổ quả pháo từ xa tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm tới tính mạng, sức khoẻ của người sử dụng và cộng đồng, gây mất an ninh trật tự.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS (Hà Nội) cho biết, tại Điều 5, Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Theo đó, hành vi tự chế tạo, buôn bán pháo tự chế sẽ bị xử lý, xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Theo luật sư Tuấn, về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) hoặc tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190) Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Trong đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Thuốc nổ các loại 100kg trở lên; Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn; Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.