Xã hội

Cà Mau: Chuyển đổi số và những kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp

PV (thực hiện) 11/12/2024 09:49

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

img_1281.jpeg
Ông Phan Hoàng Vũ- Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau xung quanh những kết quả đạt được này.

Nông nghiệp đã phát huy vai trò trụ đỡ

PV: Thưa ông được biết thời gian qua ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả ấn tượng, vậy ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau?

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau: Giai đoạn 2020 – 2025, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là thúc đẩy nông nghiệp Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trên cơ sở tập trung mọi nguồn lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đảm bảo thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh tương đương bình quân chung của cả nước.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong bối cảnh, điều kiện vô cùng khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền và nhân dân đã chung sức, đồng lòng giúp ngành nông nghiệp Cà Mau tăng trưởng ổn định và phát triển tương đối toàn diện. Ngành Nông nghiệp đã phát huy hiệu quả vai trò “trụ đỡ” trong giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng bởi đại dịch ôvid-19, tạo nền tảng vững chắc góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Qua 5 năm (năm 2020 – 2025) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đa số các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp đã từng bước nâng cao giá trị gia tăng, hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới và phát triển.

Trong đó, thủy sản đã khẳng định vai trò chủ đạo trong cơ cấu nền kinh tế, kinh tế biển trở thành động lực thúc đẩy phát triển. Chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, loại hình sản xuất phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, cơ giới hóa... được phát triển mạnh, qua đó giảm chi phí, hạ giá thành, tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất. Tăng cường chuyển đổi linh hoạt theo hướng tăng tỷ lệ diện tích luân canh (với rau màu, thủy sản) đáp ứng nhu cầu thị trường.

Công tác triển khai số hoá dữ liệu ngành đạt được nhiều kết quả nổi bật, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm đầu tư, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng. Đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

img_1282.jpeg
img_1283.jpeg
Thương lái về thu mua lúa cho bà con nông dân.

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp mang lại kết quả rõ nét

Trong các kết quả nổi bật đó, chuyển đổi số góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nhiều lĩnh vực. Vậy thưa ông, ngành Nông nghiệp đã ứng dụng công tác chuyển đổi số như thế nào và ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của việc ứng dụng?

- Nhận thức được tầm quan trọng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong tình hình mới, bắt kịp xu hướng, thời gian qua, ngành nông nghiệp Cà Mau đã và đang áp dụng, triển khai công tác chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về phát triển hạ tầng số, đến tháng 12/2024 cơ sở hạ tầng thông tin của ngành được trang bị đầy đủ gồm: 17 máy chủ, hệ thống mạng LAN, 576 máy tính bàn, 36 máy tính xách tay, 371 máy in, 52 máy quét Scan…, tất cả đều có kết nối mạng nội bộ và internet.

Về chính quyền số, ngành đã triển khai xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành, phát triển ngành NN-PTNT hoạt động năm 2021; phần mềm quản lý, cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản xuất trên các lĩnh vực ngư - nông - lâm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ứng dụng hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trên cơ sở dữ liệu đang hoạt động thuộc hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) của tỉnh; 100% văn bản đều được xử lý, phát hành đi qua môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, số hóa, xử lý, giải quyết trực tuyến đạt; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư có nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng công nghệ được triển khai mang lại hiệu quả như: Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý môi trường, chất lượng nước; sử dụng thiết bị cho ăn tự động, thông qua phân tích dữ liệu tự động về hiệu quả sử dụng thức ăn của mô hình nuôi tôm công nghệ cao...

Có thể nói, kết quả từ công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp mang lại rất rõ nét. Từ đó, giúp lãnh đạo các cấp kịp thời nắm bắt tình hình phát triển ngư – nông – lâm. Qua đó, có định hướng chỉ đạo, giúp ngành nông nghiệp đạt chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm. Cùng với đó, nhiều công nghệ mới hiện đại được ứng dụng, áp dụng từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp ngành nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.

Vậy thưa ông, địa phương đã đưa ra kế hoạch, lộ trình gì để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp?

- Ngành Nông nghiệp xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong thời quan và tiếp tục thực hiện hiệu quả trong giai đoạn sắp tới, với các mục tiêu chính như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh Cà Mau về chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức.

Hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị trong hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh trên nền tảng kỹ thuật số.

Kết quả, năm 2024 cơ sở hạ tầng thông tin của ngành trang bị đầy đủ, có kết nối mạng nội bộ và kết nối internet; tỷ lệ xử lý văn bản trên môi trường mạng đảm bảo 100%; thực hiện báo cáo cải cách hành chính trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh... Ngoài ra, Sở NN-PTNT trang bị 17 phòng họp trực tuyến Mega V-Meeting kết hợp với Zoom và các phần mềm khác có thể kết nối với Trung ương và địa phương giúp công tác chỉ đạo điều hành được tốt hơn.

img_1285.jpeg
img_1284.jpeg
Thủy sản là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau

Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại

Từ những kết quả đã đạt được, định hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là gì thưa ông? Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau xác định đâu là nhiệm vụ trọng tâm, trụ cột chính để phát triển kinh tế nông nghiệp?

- Định hướng của ngành NN-PTNT tỉnh Cà Mau giai đoạn 2026 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có một số chỉ tiêu như sau: Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngư, nông, lâm nghiệp duy trì 4%/năm; sản lượng thủy sản đạt 700.000 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt 290.000 tấn; sản lượng lúa 400.000 tấn, phát triển lúa hữu cơ, sinh thái, chất lượng cao.

Tổng đàn heo xuất chuồng 400.000 con, gia cầm xuất chuồng 9 triệu con; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 27,5%; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý bền vững đạt 15%; 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó có 50% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 6 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tầm nhìn đến năm 2050: Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện, nâng cao; nguồn tài nguyên thiên nhiên được quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương bình quân chung của cả nước.

img_1286.jpeg
Cà Mau đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành NN-PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu. Tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành hàng nông nghiệp theo hướng phát triển chiều sâu, tạo lợi thế cạnh tranh cao.

Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; nghiên cứu, phát triển một số loài thủy sản mới có hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Trân trọng cảm ơn ông.

PV (thực hiện)