Dân tộc

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức là cách làm hiệu quả nhất

Bắc Vũ 12/12/2024 10:39

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều địa phương đã có những cách làm hiệu quả, thậm chí “mạnh tay” xử phạt. Tuy nhiên, tựu trung lại làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là cách làm hiệu quả nhất.

Qua tổng hợp sơ bộ từ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang có dấu hiệu giảm dần qua từng năm. Nếu như năm 2021 là 309 trường hợp, thì đến năm 2022 còn 295 trường hợp và đến cuối 2023 còn 230 trường hợp.

2(3).jpg
Ban Dân tộc huyện Con Cuông tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: BDT

Trong đó, một số địa phương từng có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao, nay đã giảm đáng kể như huyện Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương… Điều đó cho thấy, các giải pháp phòng chống tảo hôn với sự hỗ trợ từ nguồn lực từ Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719 đang thực sự phát huy hiệu.

Theo đó, nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Các địa phương được bố trí vốn từ Tiểu dự án 2, Dự án của Chương trình 1719, qua thống kê đã có trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đơn cử như tại huyện Con Cuông, theo ông Lương Viết Tùng, Trưởng ban Dân tộc huyện cho biết, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, huyện Con Cuông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là thế hệ trẻ thông qua các cuộc họp thôn, bản; qua các hội nghị, gặp mặt tại địa phương…

“Cụ thể, trong 2 năm (2022-2023), huyện Con Cuông chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, kỹ năng phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 250 người. Đồng thời, phối hợp với các trường THCS như Môn Sơn, Châu Cam, Mậu Đôn… tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 600 học sinh. In hơn 50 băng rôn, xây dựng 5 cụm Pano tại 3 xã Lạng Khê, Thạch Ngàn và Bình Chuẩn, Châu Khê và Môn Sơn với nội dung tuyên truyền “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, ông Tùng cho biết thêm.

Riêng năm 2024, huyện Con Cuông đã xây dựng Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 19/7/2024 về việc thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 với các nội dung cụ thể như mở hội nghị tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, kỹ năng phòng và giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, dân số, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại địa phương.

1(2)-3394b2d75700087a9448533d2daf2f49.jpg
Với cách làm này, trong nhiều năm qua toàn tỉnh Nghệ An đã giảm được gần 100 trường hợp tảo hôn. Ảnh: BDT.

“Không những vậy, chúng tôi cũng tổ chức hội nghị tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa bàn có tình trạng tảo hôn cao cho các đối tượng là lãnh đạo tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã, thôn, bản, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi”, ông Tùng thông tin.

Cũng theo ông Tùng, đi đôi với công tác tuyên truyền, việc bố trí nguồn vốn từ Dự án 9 của Chương trình 1719 cũng được chúng tôi triển khai kịp thời. Cụ thể, nguồn vốn sự nghiệp bố trí năm 2022 là 116 triệu đồng, số tiền này được UBND huyện Con Cuông được giải ngân 100%; năm 2023 là 357 triệu đồng, số tiền này hiện chúng tôi xây dựng Kế hoạch và đang thực hiện. Riêng năm 2024 là 302 triệu đồng, hiện chúng tôi đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND để triển khai giải ngân theo quy định.

Trong khi đó, tại huyện Tương Dương, quá trình triển khai Dự án 9 tuy còn có một số khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả nhất định.

Cụ thể, nếu như năm 2020 toàn huyện có 77 trường hợp tảo hôn đến năm 2021 giảm xuống còn 57 trường hợp. Đến năm 2022 giảm xuống còn 27 trường hợp, năm 2023 giảm còn 23 trường hợp tảo hôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 giảm còn 17 trường hợp. Như vậy, sau 4 năm (tính từ năm 2020 đến tháng 6 2024) số trường hợp tảo hôn đã giảm hơn 77,9%

Theo ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng Ban dân tộc huyện cho biết, trong thời gian qua, UBND huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục, định hướng nghề nghiệp để các đối tượng (học sinh, thanh thiếu niên, các bậc cha mẹ). Đồng thời, nâng cao nhận thức về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội trong việc tuân thủ pháp luật, xây dựng một thế hệ tương lai khỏe về thể chất, tốt về trí tuệ, tinh thần.

Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường học (Trường THCS, THPT) trên địa bàn huyện. Ngoài ra, cần sự vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy, nâng cao vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín không để xảy ra việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Bắc Vũ