Xã hội

Tuyên Quang: Huyện Sơn Dương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Xuân Trường 12/12/2024 15:53

Bằng những định hướng kịp thời, linh hoạt, huyện Sơn Dương đã thành công khi hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng; từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hộ dân.

Thực hiện Nội dung 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu Dự án 2 của Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025. Với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Sơn Dương, Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương đã nhanh chóng lập kế hoạch cụ thể, phối hợp với các phòng ban chuyên môn và chính quyền các xã triển khai đồng bộ các giải pháp với phương châm: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, giải quyết các vấn đề cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

z6103204290324_02892b66956dad1d9f844ec14540f821.jpg
Dự án phát triển sản xuất chăn nuôi dê sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Sơn Dương, mỗi hộ thuộc diện được xét được nhận 10 con dê giống khỏe mạnh để chăn nuôi phát triển kinh tế.

Sơn Dương chú trọng thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định; tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định phê duyệt; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.

z6103197983489_1d2c2c4f1dbe3971590b4b6031ab9490.jpg
Với người dân có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ 10 con dê là cả một tài sản lớn.

Thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương; ưu tiên hỗ trợ cho các hộ DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng.

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Tuyến – Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương cho biết: “Các chương trình MTQG thực sự là động lực rất lớn giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đi lên thoát khỏi khó khăn, nghèo nàn lạc hậu. Từ các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp, người dân đã có nền móng nhận thức, thay đổi cách nghĩ cách làm, biết ứng dụng KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt; từ đó phát huy được hiệu quả sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống mọi mặt ngày càng được nâng lên”.

Thành công từ triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ Chương trình MTQG, đến hết năm 2023, toàn huyện Sơn Dương đã có 61 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 49 sản phẩm được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP, gồm: 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 37 sản phẩn đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương có 41 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm (Thực phẩm tươi sống 8 sản phẩm; thực phẩm thô, sơ chế 7 sản phẩm; thực phẩm chế biến 19 sản phẩm và 7 sản phẩm chè); 7 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (đồ uống có cồn: 4 sản phẩm; đồ uống không cồn 3 sản phẩm); 1 sản phẩm thuộc nhóm Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu.

Hàng loạt các sản phẩm đạt chuẩn được cấp chứng nhận OCOP phản ánh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang phát huy hiệu quả tích cực và được triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện Sơn Dương nói riêng và toàn tỉnh Tuyên Quang trong những năm gần đây. Đây cũng là định hướng sản xuất nhất quán đang được tỉnh Tuyên Quang chú trọng khuyến khích và hỗ trợ người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS thông qua các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa trong các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình MTQG, như: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 (gọi tắt là CT MTQG 1719).

z6103196893682_fc0b3689de6076063a77390fec9878b1.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương (áo trắng bên phải) kiểm tra, giám sát việc cấp thức ăn cho các hộ được hỗ trợ dê chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Nổi bật là dự án phát triển sản xuất chăn nuôi dê sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Sơn Dương mới đây được triển khai thực hiện tại địa bàn các xã: Đại Phú, Hợp Hoà, Đồng Quý, Đông Lợi, với số lượng hỗ trợ 10 con dê/ hộ. Hàng trăm hộ dân đã được thụ hưởng, dự án thành công sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế, giúp người dân có cuộc sống no ấm hơn, hơi thở cuộc sống của làng quê nông thôn mới tươi sáng hơn.

Ông Trần Văn Cường, thôn nhà xe (xã Đông Lợi, Sơn Dương) không dấu nổi cảm xúc hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi vui lắm, được nhận cả đàn dê to khỏe do Nhà nước hỗ trợ để chăn nuôi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Gia đình rất tự tin sẽ chăm sóc đàn dê khỏe mạnh, sinh sản tốt, coi đây là nguồn thu chủ lực để từng bước nâng cao đời sống, các con được học hành đầy đủ. Gia đình sẽ cố gắng và luôn biết ơn Đảng, chính quyền đã luôn quan tâm giúp đỡ”.

Ông Triệu Văn Đoan, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thượng (xã Lương Thiện, Sơn Dương), Giám đốc HTX chè Tân Thượng là một trong những điển hình trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm chất lượng có giá trị kinh tế cao.

Ông Đoan cho biết, thôn Tân Thượng có 79 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao, sống bao quanh 9 quả đồi với 340 ha rừng sản xuất và trên 11 ha chè. Mấy năm gần đây, chè của thôn được nhiều thương lái các nơi, chủ yếu từ Thái Nguyên sang đặt hàng, chè tươi thu hái không đủ phục vụ các lái buôn đến thu mua. Nhận định chè Tân Thượng ngon có thể do nguồn nước và chất đất nên mới được thương lái bao tiêu hết với giá cao, đầu năm 2022, ông Đoan đã bàn bạc với một số hộ trồng chè trong thôn sẽ không bán chè búp tươi, thành lập HTX chè Tân Thượng, đầu tư máy móc sản xuất chế biến chè, xây dựng và quảng bá thương hiệu chè Tân Thượng để bán với giá thành cao hơn, thu được lợi nhuận tốt hơn.

z6103214331155_a78df6421867eb7a5eb31e72be4aa0b1.jpg
Diện tích chè VietGap của HTX chè Tân Thượng luôn cho năng xuất và chất lượng cao nhờ phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị.

Các thành viên HTX đã chuyển đổi chăm sóc cây chè theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường để nâng cao giá trị, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Hiện tại, hơn 11 ha chè của 24 hộ thành viên HTX đạt chuẩn VietGap. Nhờ đó các sản phẩm chè của HTX được bán với giá cao trung bình từ 300.000 - 500.000đ/kg. Các thành viên HTX rất phấn khởi với hiệu quả từ việc chăm sóc, chế biến sâu, nâng cao thu nhập.

z6103215802346_1e691d1ca1321a489ada4157eb0769c6(1).jpg
Sản phẩm chè VietGap của HTX chè Tân Thượng đã cho năng xuất và giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước đây người dân bán chè búp tươi không qua chế biến sâu.

Phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị (CGT) bước đầu giúp người dân tiếp cận với thị trường một cách chủ động hơn, thay đổi cách nhìn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thay đổi tư duy về liên kết hợp tác. Người dân có cơ hội để khai thác hiệu quả hơn quỹ đất, sức lao động, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và các thế mạnh của mình khi tham gia CGT. Thu nhập được cải thiện, nhiều người sẽ tìm được việc làm và phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển sản xuất theo mô hình CGT đã giúp nhiều người dân Sơn Dương, đặc biệt là đồng bào DTTS nói riêng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu để sản xuất những sản phẩm phù hợp hơn với chi phí sản xuất thấp hơn, nâng cao lợi nhuận và thu nhập, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo, tiến tới làm giàu; tiếp tục chung tay đoàn kết phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đầu tiên của tỉnh đạt huyện nông thôn mới trong năm 2025.

Xuân Trường