Xã hội

Để kỳ vọng không là áp lực cho con

Hải Yến 15/12/2024 15:14

Trên mạng xã hội, trên các trang báo, phóng sự trên truyền hình, câu chuyện về áp lực học tập cũng như kỳ vọng của phụ huynh được nhắc đến nhiều nhưng chưa bao giờ là cũ. Sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh đã vô tình đè nặng lên con.

Anh Bai GD
Ảnh minh họa.

Trẻ con có rất nhiều áp lực

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ, trong vai trò là anh Chánh văn ở Báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến năm 2012, anh đã chứng kiến rất nhiều nỗi khổ, áp lực của những đứa trẻ. Và rất tiếc rằng, đến bây giờ sau 24 năm, rất nhiều những đứa trẻ hôm đó đã viết thư cho anh, bây giờ cũng đang làm cha mẹ lại lặp lại chính những điều như vậy với con mình.

Hình ảnh một cậu bé khi trở về nhà như quả bóng xì hơi khi phải đi học từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm sẽ ngày càng tăng lên chứ không dừng lại. Bởi vì cuộc sống của hôm nay rất khác với cuộc sống của ngày xưa. Hôm nay nhiều đứa trẻ thông minh hơn ngày xưa rất nhiều. Lũ trẻ lớp 5 của ngày hôm nay có thể tương đương với đứa trẻ lớp 9 của thế hệ trước. Chính điều đó gây áp lực lên các phụ huynh. Và phụ huynh gây áp lực ngược lại lên con mình.

“Rất nhiều phụ huynh đã gửi thư cho tôi nói về sự “vật vã” đau đầu chuyện con không ổn. Thậm chí có lần, trong một cuộc hội thảo, một người mẹ đến nói với tôi rằng: Tôi phải làm thế nào với con tôi đây? Con tôi học Văn cực kỳ kém, chỉ đạt 2 điểm và không bao giờ nó chịu học Văn. Nhưng khi hỏi cụ thể hơn, tôi biết được rằng cậu bé học Toán cực kỳ giỏi.

Vậy tại sao cha mẹ vẫn “vật vã”? Vì cha mẹ chỉ nhìn thấy những thiếu sót ở con. Đó chính là vấn đề của người lớn chúng ta. Bởi vì chúng ta dường như luôn luôn đặt tiêu chuẩn của mình, chuẩn mực của mình, cũng như nghĩ rằng đó là muốn tốt cho con. Thật sự 4 chữ “muốn tốt cho con” cũng là một áp lực kinh khủng dành cho con” - anh Tú cho hay.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Chí Hiếu cho biết: Từ năm 2006, tôi đã đồng hành với học sinh Việt Nam. Trong 18 năm, tôi được làm việc với nhiều lứa học sinh trong xã hội, trong đó có những học sinh dạy từ lớp 1 đến hết lớp 12. Tôi cho rằng, sự kỳ vọng của cha mẹ cho các con là cần có. Chúng ta cần kỳ vọng để phát triển. Mỗi người trong xã hội cần phải có những đam mê, những khao khát thì xã hội và đất nước mới phát triển.

Một con người phải có những đam mê, khao khát thì mới nỗ lực để làm giàu. Nhưng quan trọng nhất trong giáo dục khi làm việc với các học sinh, thì giáo viên, cha mẹ cần phải hiểu bản chất kỳ vọng đến từ đâu. Thứ hai là kỳ vọng với từng đứa trẻ sẽ khác nhau như thế nào. Và thứ ba là cách đặt kỳ vọng và cách đồng hành cùng mỗi đứa trẻ.

TS Hiếu cho rằng, bản chất của con người chúng ta muốn được tự do, muốn được sáng tạo. Nhưng nhiều nhà trường, giáo viên hiện nay lại chỉ dạy các em học thuộc, làm đúng các bước theo khuôn mẫu, ít sáng tạo. Ngày trước, chúng ta học nửa ngày. Còn bây giờ học sinh học cả ngày cứ lặp đi lặp lại... Vì vậy, học sinh dù có thích học cũng chỉ có thể đạt được chừng ấy thứ thôi. Đó là những điểm số, những buổi luyện thi, những buổi học thêm hết ngày này qua ngày khác.

Chúng ta cần phải có không gian để cho trẻ sáng tạo. Cần phải hiểu bản chất của sự kỳ vọng là như thế nào? Nếu chúng ta kỳ vọng giáo dục chỉ là những điểm số giỏi, thì cũng chỉ đúng một phần thôi. Trong khi ra xã hội, học sinh sẽ phải đối mặt với rất nhiều thứ. Những thứ đó các em cần được phát triển bằng những đam mê, những kỹ năng học được từ cuộc sống, không phải qua sách vở.

Để con tỏa sáng bằng tiềm năng

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: Rất nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là bậc cha mẹ của hôm nay, đủ kiến thức để biết được rằng tài năng không phải ở điểm số. Tôi nghĩ rằng là tất cả các cha mẹ đều hiểu, một đứa trẻ có tài trước hết là một đứa trẻ được sống với chính bản thân nó, được phát triển, phát huy tất cả những thế mạnh. Còn đương nhiên, thế mạnh đó là gì, thế mạnh đó như thế nào thì lại đòi hỏi sự thấu hiểu của cha mẹ.

Tôi vẫn tin rằng một đứa trẻ chỉ có thể hạnh phúc được khi có cha mẹ thấu hiểu và cha mẹ đối xử với con cái như một người lớn. Khi chúng ta coi các con như người lớn đồng nghĩa với việc chúng ta tôn trọng con, giữ được bản sắc riêng của con. Chúng ta thấu hiểu con và lắng nghe con thay vì chúng ta vẫn coi con là trẻ con.

Chừng nào mà chúng ta vẫn coi con như là trẻ con thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được rằng con của chúng ta như thế nào. Khi chúng ta coi con là trẻ con có nghĩa là chúng ta vẫn đặt rất nhiều áp lực cho con. Bởi vì là trẻ con, con chưa biết gì nên tất cả mọi thứ phải nghe bố mẹ. Bố mẹ sẽ là người quyết định mọi thứ cho con, con không được cãi. Những cái gọi là áp lực của con không là gì. Thậm chí nhiều cha mẹ đã từng rất gay gắt với tôi trên Facebook về chuyện tôi khuyên các cha mẹ gỡ bỏ áp lực cho con. Họ cho rằng, chính vì những cha mẹ như tôi mà khiến cho một thế hệ bọn trẻ bây giờ sức chống chịu rất kém, chưa gì đã muốn tự tử, chưa gì đã muốn trầm cảm, đòi đi “chữa lành”...

Để một đứa trẻ có thể thành công được, tôi nghĩ rằng trước hết phải có một môi trường phù hợp. Một môi trường có sự đầu tư, có sự để tâm của cha mẹ thay vì phó mặc cho nhà trường hay phó mặc cho con. Điều thứ hai là sự khích lệ, ghi nhận. Chúng ta luôn luôn rất khó để tìm ra là chúng ta tài năng về điều gì, đam mê điều gì. Lớp 3 đam mê một kiểu, lớp 5 đam mê một kiểu, thậm chí là trong vòng một năm thay đổi ước mơ đến 3-4 lần. Việc các con đi tìm năng lực của bản thân, đi tìm tài năng của bản thân, theo tôi thực sự là đi tìm sự công nhận.

Tôi vẫn tin, các cha mẹ luôn có cách để hướng con đạt thành công, nếu như chúng ta thật sự mong muốn. Tôi sẽ tạo ra những thành công nho nhỏ cho những nỗ lực của các con. Chẳng hạn, con gái tôi thích thiết kế thời trang, tôi sẽ tạo điều kiện để con có thể phát triển được yêu thích của mình. Thậm chí, bằng cách này hoặc cách khác, tôi tạo ra thành công cho con từ đam mê đó. Nếu như con là một người thực sự là đam mê về thời trang, con sẽ tiếp tục theo đuổi.

Anh Tú chia sẻ thêm: Tôi rất tin vào một điều rằng không phải thành công đến từ đam mê mà là thành công tạo ra đam mê. Không phải là chúng ta cứ đam mê cái gì đó, chúng ta làm nó tiếp tục thì sẽ thành công, mà chúng ta phải có một thành công ban đầu để nuôi dưỡng đam mê đó. Và cha mẹ chính là người có thể tạo ra thành công đó cho con.

Hải Yến