Ngành nghề nào sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao?
Báo cáo thị trường tuyển dụng 2024-2025 do Top CV (nền tảng công nghệ tuyển dụng) vừa phát hành cho thấy thị trường lao động năm 2024 vẫn ghi nhận nhiều biến động đa chiều, song bước sang năm 2025, dự báo nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục “khát” nhân lực.
Thị trường lao động năm 2024 nhiều biến động
Nhìn lại thị trường lao động năm 2024, báo cáo của Top CV cho biết, nhóm ngành nghề khác, không thuộc IT - Phần mềm (Non-IT) hiện đang duy trì công việc ở mức ổn định và chưa có nhu cầu thay đổi. Tỷ lệ này ở nhóm IT - Phần mềm là 35,66%.
Điều này cho thấy một phần tương đối của lực lượng lao động không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi kinh tế hoặc tái cơ cấu. Hoặc đây là nhóm lao động cẩn trọng, không sẵn sàng thay đổi công việc trong thời kỳ được đánh giá là có nhiều biến động. Đây sẽ là nhóm ứng viên không tham gia vào thị trường tuyển dụng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, nhóm ngành giữ vững tính ổn định dẫn đầu là Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D), Nhân sự và Giáo dục. Tính ổn định trong công việc ở nhóm ngành R&D có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu không ngừng về đổi mới và cải tiến sản phẩm, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao.
Theo báo cáo, để tạo ra lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) có xu hướng tập trung vào đội ngũ R&D nhằm duy trì lực lượng lao động có kỹ năng chuyên môn và phát triển bền vững trong dài hạn.
Các nhóm ngành như Nhân sự - Đào tạo và Phát triển, hay Lương và Phúc lợi cho thấy mức độ tương đối ổn định, có thể phản ánh sự chú trọng ngày càng cao của DN vào việc thu hút và giữ chân nhân tài. Điều này tiếp lợi thế cho DN xây dựng một đội ngũ ổn định, có năng lực thông qua các chương trình đào tạo, phát triển và chính sách đãi ngộ minh bạch, hiệu quả.
Ngành Giáo dục cũng duy trì được tính ổn định cao nhờ vào nhu cầu luôn hiện hữu trong xã hội. Ngành Y tế và Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có cường độ công việc cao, với nhiều nhân viên thường xuyên phải đối mặt với tình trạng căng thẳng và mệt mỏi.
Nhiều ngành “khát” nhân lực trong năm 2025
Theo Top CV, bước sang năm 2025, trước yêu cầu điều chỉnh chiến lược kinh doanh linh hoạt, các DN tập trung vào việc tuyển dụng các vị trí đặc thù (cả tuyển mới và thay thế). Kinh doanh/Bán hàng là nhóm ngành "khát" nhân lực nhất trong 3 năm liên tiếp, đồng thời là nhóm đầu tiên trong kế hoạch tối ưu hoá nhân sự khi cần thiết.
Các đại diện khảo sát giải thích, trong năm 2025, việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tăng trưởng thị trường là điều cần thiết (65,2%). Và để hoàn thành mục tiêu này thì 47,6% đại diện đều lựa chọn Kinh doanh/Bán hàng sẽ là mục tiêu tuyển dụng ưu tiên của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm nhân viên từ 2 - 3 năm kinh nghiệm (ưu tiên kế tiếp là nhân viên từ 1 - 2 năm kinh nghiệm).
Điều này là dễ hiểu khi nhóm này sẽ trực tiếp tạo ra doanh thu, mở rộng thị trường và thu hút khách hàng. Với quy mô càng lớn, doanh nghiệp cần nhiều nhân lực bán hàng để gia tăng sự hiện diện và tăng trưởng kinh doanh.
Tiếp sau đó là nhóm IT - Phần mềm với nhu cầu tuyển dụng chủ yếu rơi vào nhóm ứng viên có ít nhất 2 - 3 năm kinh nghiệm và các chuyên viên từ 3 - 5 năm (12,2%). Theo sau đó là các nhóm ngành khác như Marketing/Truyền thông/Quảng cáo (9,3%), Dịch vụ chăm sóc khách hàng (5,1%), Nhân sự (4%).
Tương tự, khảo sát của Tập đoàn tư vấn tuyển dụng Robert Walters công bố mới đây cũng cho thấy, dự kiến các DN Việt Nam tăng tuyển dụng lĩnh vực nhân sự, pháp lý, tài chính nhằm hỗ trợ chiến lược mở rộng kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2025. Các vị trí bán hàng, tiếp thị và phát triển kinh doanh vẫn được chú trọng. Mức tăng lương ổn định trong khoảng 15 - 25% ở hầu hết các ngành.
Nhu cầu tuyển dụng chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự tiếp tục tăng cao, đặc biệt với ứng viên có kỹ năng quản lý đối tác và xây dựng quan hệ kinh doanh. Với chuyên môn sâu sắc về chiến lược và kỹ năng giao tiếp, dự kiến ứng viên nhóm này sẽ có mức tăng lương đáng kể.
Ngành công nghệ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là các vị trí cấp cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và điện toán đám mây.
Tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe là hai lĩnh vực hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tuyển dụng và mức tăng trưởng ổn định trong năm tới. Tư duy chiến lược cùng kỹ năng phân tích dữ liệu ngày càng được coi trọng trong ngành logistics và mua hàng khi các doanh nghiệp ưu tiên tối ưu hóa hoạt động.
Theo ông Phạm Tuấn Phúc - Giám đốc Điều hành Robert Walters Việt Nam, để thành công trong thị trường cạnh tranh nhân tài năm 2025, DN cần triển khai chiến lược nhân sự toàn diện. Trong đó, lương thưởng và phúc lợi vẫn là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân nhân tài. “Không chỉ dừng lại ở lương thưởng, việc xây dựng một văn hóa công ty tích cực và hòa nhập cũng đóng vai trò quan trọng. Một môi trường làm việc cân bằng, thúc đẩy tinh thần đồng đội và khuyến khích sự hợp tác sẽ giúp thu hút người lao động hiện đại. Đặc biệt, các hình thức làm việc linh hoạt và từ xa đang trở thành yếu tố hấp dẫn, cho phép DN cân đối giữa năng suất và nhu cầu linh hoạt của nhân viên” - ông Phúc lưu ý.