Xã hội

PC Hà Nam chú trọng đầu tư, cải tạo nâng cao lưới điện khu vực nông thôn

Hoàng Hải - PC Hà Nam 28/11/2024 15:42

Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thì mục tiêu cấp điện ổn định và phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn tỉnh Hà Nam luôn được ưu tiên và chú trọng. Đặc biệt công tác đưa điện lưới quốc gia vào điện lưới của các huyện, thị xã trong tỉnh, nhất là vào các thôn, xóm giáp hệ thống đê điều, sông ngòi như Đê Sông Hồng của huyện Lý Nhân. Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) phấn đấu cấp điện ổn định và đầy đủ vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Công ty Điện lực Hà Nam đã khẩn trương xây dựng phương án đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện các huyện, thị xã và trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) phê duyệt và giao các dự án đầu tư. Cùng với đó PC Hà Nam cũng huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển mạng lưới điện nông thôn, nhất là ở khu vực các huyện có hệ thống đê điều đi qua như Lý Nhân và Kim Bảng. Thời gian qua, UBND tỉnh và PC Hà Nam đã tranh thủ các nguồn vốn, tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình cải tạo lưới điện trung hạ áp tại khu vực các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng. Kết hợp với các giải pháp nâng cao quản lý vận hành, PC Hà Nam cũng đã triển khai đầu tư và cải tạo lưới điện tại 4 huyện nông thôn trong đó, năm 2023, PC Hà Nam đã đầu tư nâng cấp 54,94 km đường dây trung thế, 67,18 km đường dây hạ thế, 85 TBA/7MVA, với tổng vốn đầu tư hơn 209 tỷ đồng; đồng thời sửa chữa lưới điện với tổng vốn hơn 35 tỷ đồng.

Tiếp đó, năm 2024, PC Hà Nam cũng đầu tư nâng cấp 29,91 km đường dây trung thế, 64,27 km đường dây hạ thế, 60 TBA/4,3 MVA, với tổng vốn đầu tư hơn 55 tỷ đồng; sửa chữa lưới điện với tổng chi phí hơn 31 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2024-2025, Công ty tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng lưới điện trên địa bàn 6 huyện thị xã với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 133 tỷ đồng. Đáng chú ý từ khi TBA 110kV Bình Lục được đầu tư đóng điện trong năm 2023 đã góp phần giải quyết được tình trạng thường xuyên bị mất điện, đảm bảo việc cung cấp điện ổn định, nâng cao chất lượng điện năng cho khu vực các xã La Sơn, Thạch Tổ, TT Bình Mỹ, Bình Nghĩa, An Lão vv..

Về đầu tư cải tạo lưới điện khu vực nông thôn, nhất là cho các hộ dân điện chưa ổn định ở gần đê sông Hồng. Thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Nam đang thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia để cấp điện cho các hộ dân có điện chưa được ổn định trở nên ổn định hơn, với tổng mức đầu tư 593,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019-2025, gồm hai tiểu dự án thành phần; trong đó, Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hà Nam cấp điện cho 7.562 hộ dân tại 171 thôn của 71 xã thuộc 6 huyện thị xã của Tỉnh.

Đến nay, ngành điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp điện phục vụ sản xuất, thương mại dịch vụ, an ninh quốc phòng, sinh hoạt của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh nói chung và 6 huyện, thị xã trong Tỉnh nói riêng. Tất cả 6 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh đều được cấp điện; ổn định có 152/152 xã, phường, thị trấn có điện, chiếm tỷ lệ 100%; có 1.722 thôn có điện, chiếm tỷ lệ 99,03%; có 289.500 hộ dân có điện, chiếm tỷ lệ 99,37%. Tại địa bàn 4 huyện nông thôn, Công ty Điện lực Hà Nam đang quản lý vận hành 2.846km đường dây trung áp, 2.551km đường dây hạ áp, 923 TBA phụ tải/99,55MVA, 8 TBA trung gian/53MVA, 5 TBA 110 kV/25MVA cung cấp điện cho hơn 87 nghìn khách hàng.

dlmb5-1.jpg
Công tác quản lý vận hành các tuyến đường dây thuộc lưới điện quốc gia.

Bên cạnh đó, khi thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện khu vực nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2018-2024, PC Hà Nam đầu tư xây dựng tại khu vực vùng sông nước, vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì công tác thi công gặp nhiều khó khăn về điều kiện giao thông, nhất là vào mùa mưa, thường xuyên bị cô lập do mưa nhiều, đất đá văng ra đường gây cản trở giao thông. Trong đó công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn do dự án đi vào những nơi hiểm trở, khó trồng cột và đặt trạm điện, một số điểm dân cư tại các xóm, thôn di dời đến nơi ở khác trước và trong quá trình triển khai thi công. Do vậy, đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện, kéo dài thời gian bố trí vốn và giải ngân vốn cho dự án để tiếp tục đầu tư hoàn thành.

Mặt khác, các hộ dân chưa có lưới điện ổn định hầu hết đều sinh sống phân tán, rải rác, nhỏ lẻ theo cụm, và phần lớn là tự phát từ 3-7 hộ; nằm ở khu vực gần sông ngòi, trại cá, trại cây trồng xa các tuyến giao thông chính và lưới điện quốc gia. Nhưng PC Hà Nam cũng đã yêu cầu các nhà thầu tập trung xử lý ngay các tồn tại của các công trình đã thi công hoàn thành nhưng còn tồn tại về kỹ thuật chưa bảo đảm điều kiện đóng điện; khẩn trương, tăng cường nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình còn lại của dự án, kịp thời cấp điện phục vụ nhu cầu của người dân.

Công ty Điện lực Hà Nam cũng đã tăng cường công tác quản lý, vận hành, để bảo đảm độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho nhân dân; bố trí vốn hằng năm để đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho các hộ dân thuộc các huyện thị xã khu vực nông thôn, nhất là các hộ dân sống gần ven đê sông hồng; sớm bố trí vốn, triển khai đầu tư cấp điện cho 96 hộ dân nằm gần lưới điện quốc gia; đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện cấp cho khoảng 1.800 hộ dân (kéo xa lưới, dùng chung công-tơ); tích cực phối hợp, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục về đấu nối, đóng điện các công trình thuộc dự án cấp điện nông thôn trong tỉnh.

dlmb5-2.jpg
Tại cuộc họp với Lãnh đạo UBND Tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng thi công.

PC Hà Nam cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh lưu ý, yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh cần phối hợp với các huyện thuộc khu vực nông thôn tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình điện dở dang, sớm cấp điện ổn định cho người dân. Các địa phương tăng cường vận động nhân dân hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc... nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thực hiện các dự án cấp điện nông thôn; tiến hành rà soát, giải quyết các bất cập về hạ tầng và đóng điện một số khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng bảo đảm đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, bố trí vốn hằng năm để cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho các hộ dân thuộc 6 huyện, thị xã nhất là các hộ dân sống gần sông hồ, đê điều. Sớm hoàn thành các TBA 110 kV nhằm tăng cường cung cấp điện vùng nông thôn, vùng sông hồ, tạo điều kiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân.

Hoàng Hải - PC Hà Nam