Sức mua thực phẩm giảm, nông dân lo thất thu vụ Tết
Thời điểm cuối năm thường là lúc sức mua tăng cao, thị trường nhộn nhịp chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, năm nay, sức mua thực phẩm tại nhiều khu vực trên cả nước đang có dấu hiệu chững lại.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu nhiều áp lực, thu nhập của nhiều hộ gia đình không tăng thậm chí còn sụt giảm. Nhiều người chọn cách ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu cấp bách dẫn đến tình trạng giảm sức mua ở các mặt hàng thực phẩm. Trên mạng xã hội gần đây tràn lan bí kíp của các bà nội trợ chia sẻ nhau cách nấu bữa cơm gia đình đủ dinh dưỡng với giá rẻ, chỉ từ 50 nghìn đến 100 nghìn cho 4 người.
Trong tháng 12, lúc 20h tối, tại khu chợ của phường đông dân cư nhất nhì Hà Nội vẫn còn rất nhiều thịt, cá và rau củ. Chị Phạm Thị Vinh, chủ quầy thịt lợn tại khu chung cư HH Linh Đàm cho biết, cùng thời điểm này năm trước chị có thể bán hết 4 con lợn/ngày nhưng năm nay chị chỉ bán được bằng một nửa. Chị cungc thường xuyên bị ế hàng phải thanh lý giá rẻ cho các quán cơm bụi.
“Trong suốt năm qua, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng cao, từ xăng dầu đến các nguyên liệu thực phẩm. Điều này khiến người dân dần thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang mua sắm tiết kiệm hơn. Năm nay nhiều cơ quan cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương thưởng cộng với áp lực tài chính dịp Tết cũng khiến người tiêu dùng phải tính toán tiết kiệm ngay từ bây giờ”- ông Lê Tuấn Hùng, Giám đốc điều phối chuỗi cung ứng của công ty thực phẩm TH nhận định.
Khi sức mua chậm, lượng thịt và nông sản tồn kho tại các chợ đầu mối, siêu thị và kho của các nhà phân phối tăng lên đáng kể. Điều này khiến các nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều người buộc phải bán với giá thấp hơn kỳ vọng để tránh hư hỏng, đặc biệt là với các mặt hàng tươi sống như thịt heo, gà, cá, rau xanh hoặc trái cây.
Theo bà Đinh Thị Thuý, chủ nhiệm HTX Thuý An (Nam Định) cho biết: Trong năm vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, các chi phí sản xuất khác tăng mạnh. Nhiều nông dân đầu tư lớn vào mùa vụ hoặc đàn vật nuôi với hy vọng thị trường Tết sẽ giúp họ bù đắp chi phí và đạt lợi nhuận. Tuy nhiên, khi sức mua giảm và giá cả không tăng như mong đợi, họ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Không chỉ người bán chịu áp lực, mà người mua cũng ngày càng "thận trọng". Khách hàng có xu hướng chờ đợi đến sát Tết để tận dụng các chương trình giảm giá. Điều này khiến sức tiêu thụ hiện tại chậm lại, tạo ra áp lực lớn cho nông dân và nhà cung cấp.
Một số nông dân chưa có đầu ra ổn định thông qua các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Họ chủ yếu dựa vào thương lái và các chợ truyền thống để tiêu thụ sản phẩm. Khi sức mua giảm, các thương lái ép giá, nông dân sẽ phải chịu thiệt hại lớn hơn.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều nhà sản xuất, hộ nông dân đã có kế hoạch cung ứng thực phẩm từ sớm, đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ Tết. Từ gạo, thịt, cá đến rau củ, trái cây, nguồn cung đều được dự báo sẽ không thiếu. Điều này góp phần giữ giá cả không tăng mạnh, dù nhu cầu Tết có tăng đột biến.
Khi sức mua yếu, các nhà cung cấp buộc phải cạnh tranh giá cả và chất lượng để thu hút khách hàng. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá dự kiến sẽ được tung ra trong dịp cận Tết, giúp giá cả duy trì ở mức hợp lý.
Các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng lên kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá thực phẩm dịp Tết. Nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt lợn, thịt gà, và rau củ sẽ được kiểm soát giá chặt chẽ, hạn chế tình trạng tăng giá đột ngột.
Việc sức mua thực phẩm giảm đang đặt ra thách thức kép cho cả người tiêu dùng và nông dân. Giá cả dịp Tết được dự báo sẽ không tăng mạnh, giúp người dân có thể mua sắm tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, với nông dân và các nhà cung cấp, việc thịt và nông sản khó tiêu thụ sẽ kéo theo nhiều áp lực về chi phí, lợi nhuận và đầu ra. Trong bối cảnh này, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách bình ổn thị trường và kết nối tiêu thụ để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo Tết vẫn là mùa “bội thu” với tất cả các bên.