Nhân lực cho kỷ nguyên số
Thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gần 16% mỗi năm. Theo đó, nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao cũng lớn dần và được dự báo tăng cao trong nhiều năm tới, nhất là ở những lĩnh vực công nghệ then chốt, mới nổi… Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chương trình đào tạo về công nghệ thông tin trong nhà trường hiện nay vẫn chưa có tính hệ thống, vẫn còn mang tính chất “cây nhà lá vườn” chưa bài bản, chuyên nghiệp.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tận dụng đà chuyển đổi số cùng với AI. Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, thị trường AI tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng gần 16% mỗi năm, từ 547 triệu USD (13,8 nghìn tỷ đồng) năm 2023 lên hơn 2 tỷ USD (50,8 nghìn tỷ đồng) vào năm 2032, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Thị trường tiềm năng
Đáng chú ý, giai đoạn 2023-2027 ở Việt Nam, 68% doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến sẽ tạo thêm việc làm. Trong đó, 7 lĩnh vực công nghệ có tác động lớn nhất bao gồm công nghệ môi trường (65%), phân tích dữ liệu lớn (59%), trí tuệ nhân tạo (30%), điện toán đám mây (29%), các nền tảng và ứng dụng số (18%), công nghệ giáo dục và phát triển nhân lực (17%), IoT và các thiết bị kết nối (15%).
Đánh giá về xu hướng công nghệ, TS Nguyễn Công Ái - Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, nếu như trước đây, phải mất cả thế kỷ hoặc hơn nữa để trải qua một cuộc cách mạng công nghệ, nhưng gần đây nhất, cuộc cách mạng công nghệ chuyển đổi số vào năm 2000 thì chỉ đến năm 2020, thế giới đã bước vào một cuộc cách mạng công nghệ mới. Như vậy, các cuộc cách mạng công nghệ đã đến nhanh hơn trước đây rất nhiều.
Cũng theo TS Ái, đầu tư vào thị trường AI theo dự kiến trong năm 2024 khoảng trên 60 tỷ USD, con số này sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2030, khoảng 200 tỷ USD. Đây là con số rất lớn và cũng cho thấy tiềm năng rất lớn cho Việt Nam. Ông Ái cho biết, AI cũng đã được ứng dụng cho tất các các ngành kinh tế, thông dụng nhất là ngành marketing kỹ thuật số, đặc biệt là với ngành dịch vụ tài chính…
Thực tế AI đang nhanh chóng thay đổi lĩnh vực nhân sự, trở thành ưu tiên chiến lược đối với các DN với nhiều quy mô khác nhau. Trước đây, các tập đoàn lớn thường có lợi thế nhờ nguồn lực dồi dào, kiến thức nội bộ và danh tiếng thương hiệu.
Tuy nhiên, AI đang tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa, bằng cách “dân chủ hóa” khả năng tiếp cận thông tin và tự động hóa.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Công ty mạng và bảo mật CISCO, tỷ lệ DN Việt Nam sẵn sàng hoàn toàn cho việc áp dụng AI lại giảm từ 27% năm 2023 xuống còn 22% năm 2024. Điều này cho thấy các DN tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc triển khai và áp dụng AI. Để thu hẹp khoảng cách này, DN cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của nhân viên trong nhiều ngành nghề; đặc biệt là lĩnh vực nhân sự. Việc áp dụng AI không chỉ mang lại giá trị rõ rệt cho DN mà còn góp phần khuyến khích việc ứng dụng công nghệ này trên quy mô rộng hơn.
Làm thế nào để nắm bắt cơ hội?
Thực tế trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, NVIDIA, Intel... Tuy nhiên, các cơ hội hợp tác chưa được hiện thực hóa, các tập đoàn này phải tìm kiếm hướng đầu tư vào các thị trường khác do Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Việc thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao không phải là câu chuyện mới đây. Điều này được lý giải là do tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin cùng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Bên cạnh các giải pháp về tập trung đổi mới công nghệ, các phương pháp đào tạo, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, nên phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học, để học sinh có thể tiếp cận sớm với những kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Theo ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi cũng như các thách thức đan xen trong quá trình phát triển nguồn nhân lực AI. Thuận lợi lớn nhất phải kể đến là sự quan tâm của Chính phủ đối với việc đầu tư và phát triển AI. Điển hình là mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Chỉ thị số 43 ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, DN. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0. Cùng với đó, nhiều trường đã mở các ngành đạo tạo về AI.
Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi thì việc phát triển nguồn nhân lực AI gặp không ít thách thức. Thách thức đầu tiên phải kể đến là chương trình đào tạo của chúng ta vẫn mang nặng tính nghiên cứu chưa mang tính thực tế do thiếu hạ tầng và kinh nghiệm giảng dạy. Vì thế dù nguồn nhân lực trẻ, dồi dào nhưng số lao động trẻ theo học AI rất ít. “Hiện nay hàng tháng hệ thống đào tạo Aftech đều tổ chức các khóa học miễn phí về AI, tuy nhiên số học viên mỗi khóa không nhiều điều này cho thấy khái niệm cũng ngành nghề về AI vẫn còn khá mới mẻ và xa lạ với nhiều người và chưa thực sự được các bạn trẻ đón nhận”- ông Chu Tuấn Anh chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Văn Lược - Tổng Giám đốc điều hành Trường Phổ thông Liên cấp đa trí tuệ cho biết, trường đã đưa STEM, các tiết học robotic vào dạy đại trà từ sớm. Từ cấp 3, các học sinh đã được tiếp cận với giáo dục AI, làm quen với những khái niệm như “Big Dat”... để giúp học sinh tiếp cận nhanh, vận dụng cho công tác học tập cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, ông Lược thừa nhận, chương trình đào tạo về công nghệ thông tin ở phổ thông hiện nay vẫn chưa có tính hệ thống, vẫn còn mang tính chất “cây nhà lá vườn” nên chưa được bài bản, chuyên nghiệp.
Đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam, TS Nguyễn Công Ái cho rằng, Việt Nam cần tăng tốc để khai thác triệt để tiềm năng về đổi mới sáng tạo nhằm bắt kịp với các xu hướng công nghệ toàn cầu. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, trong đó chú ý phát triển chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học công lập và tư nhân. Tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học và các DN công nghệ cao trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2023-2027 ở Việt Nam, 68% DN được khảo sát cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến sẽ tạo thêm việc làm. Trong đó, 7 lĩnh vực công nghệ có tác động lớn nhất bao gồm công nghệ môi trường (65%), phân tích dữ liệu lớn (59%), trí tuệ nhân tạo (30%), điện toán đám mây (29%), các nền tảng và ứng dụng số (18%), công nghệ giáo dục và phát triển nhân lực (17%), IoT và các thiết bị kết nối (15%).
Ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech:
Sớm đưa đào tạo AI vào chương trình phổ thông
Để có được nguồn nhân lực AI trong tương lai Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo trong đó theo hướng mở đào tạo từ sớm, từ xa. Bởi thực tế trong 4 năm đại học, sinh viên chỉ có thời gian ngắn để thực sự học kiến thức về công nghệ lập trình để đi làm. Việc trong một thời gian ngắn sinh viên có thể nắm vững các kiến thức công nghệ, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm là rất khó. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, trước khi vào đại học, các sinh viên đã có thể thành thạo một số công nghệ lập trình vì đã được dạy từ chương trình phổ thông.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo AI từ cấp Tiểu học trở đi. Theo đó, vào cấp Tiểu học đào tạo ở mức độ tìm hiểu, lên đến cấp Trung học cơ sở thì ứng dụng phổ biến hơn. Còn bắt đầu vào cấp Trung học phổ thông phải học trước những kiến thức ngôn ngữ lập trình về AI để từ đó khi vào đại học chỉ cần một khoảng thời gian ngắn sinh viên có thể học chuyên sâu và làm được AI. Để việc triển khai dạy AI đạt hiệu quả tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam cần nhập khẩu những chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài về đào tạo AI. Đây có thể được coi là bước đi tắt để rút ngắn khoảng cách về chất lượng nguồn nhân lực AI hiện nay.