Mặt trận

Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Thanh Nga - Hương Diệp 17/12/2024 10:54

Ngày 16/12, phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vùng Tây Nguyên năm 2024 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

anh bai chinh
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy tặng quà đại biểu tham dự Hội nghị.

Vùng Tây Nguyên có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm; có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Hội nghị có sự tham dự của 150 đại biểu là người có uy tín đại diện cho đồng bào các dân tộc đến từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng. Hội nghị được tổ chức tại vùng Tây Nguyên để Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị về việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thực tế diễn ra trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho đồng bào các DTTS đã bày tỏ tâm tư, kiến nghị gửi tới Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Trong đó tập trung kiến nghị các bộ, ngành đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 104 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng địa bàn Tây Nguyên; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững - coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Đặc biệt các ý kiến cũng tập trung kiến nghị việc xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Đồng thời thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động đồng bào DTTS. Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, xóa bỏ tình trạng “vùng trũng nguồn nhân lực”.

Lắng nghe ý kiến, tâm tư, tình cảm, phản ánh, kiến nghị của đồng bào các DTTS vùng Tây Nguyên gửi tới Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và chính quyền các cấp, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho rằng, đây là những tâm tư, kiến nghị, đề xuất từ thực tiễn và mang hơi thở của cuộc sống, của đồng bào các DTTS vùng Tây Nguyên, được các già làng, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu, đại diện cho đồng bào các DTTS vùng Tây Nguyên phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước thông qua MTTQ Việt Nam.

“Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, tôi xin ghi nhận đầy đủ các ý kiến phát biểu, các kiến nghị đề xuất của các vị đại biểu và sẽ chỉ đạo các Ban chuyên môn tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới, phúc đáp kịp thời yêu cầu của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên” - Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy khẳng định.

Nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho rằng, đến thời điểm này, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang từng bước hoàn thiện, bao phủ toàn diện các mặt của đời sống đồng bào các DTTS.

Từ diễn đàn Hội nghị, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy mong muốn các đại biểu khi trở về địa phương sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các địa phương. Giữ gìn an ninh, đường biên, mốc giới; không nghe, không tin các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây kích động, chia rẽ giữa các dân tộc ở các địa phương trong vùng.

Cùng với đó mỗi người có uy tín cần phối hợp cùng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc giám sát, việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thật sự đến với đồng bào các DTTS; thực sự góp phần xóa đói, giảm nghèo; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cũng đề nghị mỗi đại biểu cần tiếp tục vận động đồng bào các DTTS tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với công tác xây dựng, nhân rộng những mô hình điểm, có hiệu quả cao trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

“Vận động đồng bào các DTTS cùng giữ đất, giữ rừng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn” - Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy gợi mở.

Tại Hội nghị, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đã tặng quà cho 150 đại biểu tham dự Hội nghị.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên khoảng 54,5 nghìn km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Vùng Tây Nguyên được coi là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữ vai trò tâm điểm của kết nối Đông – Tây; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia.

Thanh Nga - Hương Diệp