Kinh tế

Kỳ vọng từ tuyến metro số 1

ĐOÀN XÁ 18/12/2024 09:24

Được khởi công năm 2012, sau 12 năm xây dựng, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên chuẩn bị đưa vào vận hành thương mại.

metroso1.jpg
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) sẽ vận hành thương mại từ ngày 22/12. Ảnh: T.X

Là công trình lớn nhất ở TPHCM về nguồn vốn trong nhiều năm, siêu dự án này được kỳ vọng sẽ thay đổi không chỉ hệ thống giao thông công cộng mà còn là cú hích để phát triển đô thị vệ tinh, đặt nền móng cho mạng lưới metro của thành phố trong tương lai.

Người dân thích thú trải nghiệm

Những ngày này, người dân TPHCM tỏ ra rất thích thú tới các nhà ga metro để sử dụng tuyến đường sắt đô thị này, đặc biệt là giới trẻ sinh viên, học sinh. Với 14 nhà ga, trong đó có nhà ga nằm liền kề làng đại học (ga Đại học Quốc gia) cũng như kết nối với các nhà ga nằm gần trường đại học (ĐH) khác (ga Tân Cảng, Bến Thành) hay các trung tâm khác nên metro được kỳ vọng sẽ là lựa chọn của người trẻ.

Nguyễn Thị Hải Yến, sinh viên trường ĐH Công nghệ TPHCM (quận Bình Thạnh) cho biết do đang ở cùng gia đình chị gái tại TP Thủ Đức nên rất háo hức mong chờ được trải nghiệm tuyến metro này. “Ngày thường em đi xe buýt từ đường Hoàng Hữu Nam lên trường. Nhưng chắc tới đây em sẽ chuyển qua metro để đi vì nhanh hơn xe buýt rất nhiều. Hôm nay được trải nghiệm đầu tiên đã thấy rất tiện ích. Xuống ga Tân Cảng đi bộ chút xíu là tới trường luôn rồi, vừa nhanh vừa tiện lợi, không lo tắc đường khói bụi... Mà nếu có học tăng cường dưới làng đại học thì đi metro cũng tiện lắm” - Hải Yến cho biết.

Theo cô sinh viên này, nhiều bạn bè cô cũng dự định sẽ thay đổi phương tiện di chuyển bằng metro do lộ trình tuyến đường rất dài (gần 20km) với nhiều nhà ga nên cũng dễ dàng lựa chọn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài làng đại học tập trung đông đảo sinh viên thì quanh các nhà ga của tuyến metro số cũng có hàng chục trường đại học lớn khác ở TPHCM. Đây là một lợi thế rất lớn để tuyến metro thu hút nhóm hành khách là các sinh viên đại học.

ảnh 1
Nhiều bạn trẻ háo hức lần đầu trải nghiệm metro.

Không chỉ các sinh viên, những ngày đầu vận hành thử nghiệm, hàng trăm người dân ở các quận huyện và TP Thủ Đức cũng lặn lội tới để tận mắt trải nghiệm loại hình giao thông công cộng mới mẻ này. Anh Nguyễn Văn Lượng (46 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) cho biết, hôm chủ nhật vừa qua đã đưa cả gia đình đi trải nghiệm tuyến metro số 1.

“Cả bọn trẻ và ba mẹ tôi đều rất thích thú khi lần đầu trải nghiệm thử tuyến metro này. Tôi bắt đầu lên từ ga Bến Thành rồi đi về tới ga Công nghệ cao, sau đó quay lại ga Nhà hát lớn rồi đi dạo một đoạn để về lại ga Bến Thành. Không chỉ có công nghệ hiện đại, các nhà ga được thiết kế hoành tráng mà ngồi trên tàu metro, nhất là đoạn đường trên cao còn được ngắm nhìn thành phố cũng rất đẹp. Đây là trải nghiệm không dễ gì có được” - anh Lượng nói.

Cũng như các dịch vụ giao thông công cộng khác, giá vé của tuyến đường sắt đô thị số 1 cũng thấp hơn giá trị vận tải thực tế, được trợ giá từ nguồn ngân sách nhằm kích thích người dân tham gia sử dụng.

Cụ thể, giá vé (mua tiền mặt) từ 7.000 -20.000 đồng tuỳ theo quãng đường di chuyển. Nếu mua thông qua một số loại thẻ (không dùng tiền mặt) thì giá vé sẽ giảm tương ứng 1.000 đồng mỗi lần mua. Ngoài vé lượt, hành khách có thể mua vé theo ngày với mức 40.000 đồng/ngày; 90.000 đồng/3 ngày hay 300.000 đồng/tháng. Riêng với học sinh, sinh viên sẽ được giảm 50% ở gói mua theo tháng. Vé theo thời gian, hành khách có thể sử dụng không giới hạn số lượt, ở tất cả các khung giờ. Đặc biệt, trong 30 ngày đầu tiên khi vận hành thương mại (ngày 22/12), toàn bộ hành khách sẽ được sử dụng tuyến metro và 17 tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga của tuyến miễn phí.

Theo ông Phan Công Bằng - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM thì hiện các công tác thi công tuyến metro số 1 đã hoàn thiện. Trong đó, không chỉ nhà ga mà cả hệ thống kết nối và cảnh quan đô thị xung quanh cũng đã được đầu tư đồng bộ. Hiện tại, Ban Quản lý đang tập trung hoàn thiện những hạng mục cuối cùng và đảm bảo tất cả các giấy phép cần thiết để có thể chính thức đưa tuyến metro vào vận hành ngày 22/12. Cũng theo ông Bằng, biểu đồ chạy tàu thử nghiệm hiện nay tương tự như khi đi vào vận hành thương mại và đến thời điểm này, mọi thứ diễn ra an toàn, đảm bảo theo kịch bản. Được biết, bên cạnh các hạng mục của dự án, tuyến đường sắt đô thị số 1 còn được xây dựng thêm 9 cầu bộ hành nằm dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ kết nối trực tiếp vào các nhà ga. Do đặc thù của tuyến đường này khá rộng lưu lượng xe đông nên việc xây dựng các cầu bộ hành giúp cho hành khách dễ tiếp cận các nhà ga hơn.

ảnh 2
Tuyến metro số 1 sắp chính thức vận hành thương mại.

“Viên gạch” cho mạng lưới metro

Ngoài mục đích phục vụ giao thông đi lại, tuyến metro số 1 còn nhận được nhiều kỳ vọng, nổi bật trong đó là tạo ra mô hình đô thị vệ tinh. Đây là mô hình mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đã phát triển và khá thành công. Những tiện ích đi lại của tuyến đường sắt đô thị sẽ giúp cho cư dân xung quanh nhà ga có thể dễ dàng kết nối tới các khu vực khác trong thành phố cũng như đi làm, đi học, vui chơi, giải trí… do đó, các đô thị gần nhà ga sẽ thu hút được người dân.

Không chỉ tạo ra mô hình đô thị vệ tinh, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên còn được kỳ vọng sẽ là nền móng vững chắc để TPHCM xây dựng và hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị rộng lớn trong tương lai.

Vẫn biết thời gian xây dựng tuyến đường này khá lâu so với kế hoạch nhưng có thể ở những dự án kế tiếp, thời gian sẽ được rút ngắn rất nhiều do những kinh nghiệm và công nghệ mà chúng ta đã từng bước làm chủ. Mục tiêu của TPHCM là hoàn thành được 355km đường sắt đô thị vào năm 2035. Trong đó, TPHCM dự kiến sẽ khởi công đồng bộ nhiều tuyến đường sắt đô thị vào năm 2027 thay vì thực hiện rời rạc từng tuyến như thời gian vừa qua.

Bên cạnh mục tiêu giao thông đô thị, thành phố sẽ đưa các nhà ga metro trở thành không gian thương mại, giải trí, văn hoá. Trong đó điểm nhấn là khu vực nhà ga Bến Thành (quận 1) với thiết kế ngầm rộng lớn, có quy mô 4 tầng hầm. Vài năm tới, nhà ga Bến Thành sẽ là đầu mối của ít nhất 3 tuyến metro khác, trong đó có tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương đang thi công gói di dời hạ tầng điện nước, cáp viễn thông. Theo kế hoạch, không gian ngầm của nhà ga Bến Thành sẽ trở thành trung tâm thương mại, du lịch, giải trí, triển lãm, tham quan… của người dân.

Giới chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, tuyến metro số 1 sẽ mang lại những thay đổi tích cực và sâu rộng cho giao thông TPHCM, giảm tải lưu lượng giao thông với tuyến đường chính như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng... Ngoài ra, việc đưa vào vận hành tuyến metro được kỳ vọng sẽ giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Có thể nói, tuyến metro số 1 hứa hẹn đáp ứng kỳ vọng của người dân; đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững đô thị; thúc đẩy mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Miễn phí dịch vụ trong 1 tháng

Tại kỳ họp cuối năm vừa diễn ra, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết hỗ trợ giá vé cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện. Theo đó, hành khách sử dụng tàu điện tuyến metro số 1 được miễn phí trong 30 ngày, kể từ khi tuyến metro số 1 vận hành thương mại. Cụ thể, thành phố hỗ trợ 100% giá vé cho khách sử dụng tàu điện, tuyến metro số 1 trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tàu điện, tuyến metro số 1 bắt đầu khai thác vận hành thương mại. Hỗ trợ 100% giá vé cho khách sử dụng xe buýt đối với các tuyến xe buýt kết nối tuyến metro kể từ ngày 1/1/2025 cho đến ngày Thành phố kết thúc việc hỗ trợ 100% giá vé cho khách sử dụng tàu điện, tuyến metro số 1.

T.X

Metro tạo giá trị hàng tỷ USD

ông sơn

Không chỉ mang lại giá trị về giao thông, tuyến metro số 1 còn kỳ vọng mang lại lợi nhuận từ các đô thị vệ tinh. Cụ thể, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia hạ tầng đô thị thì tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có 3 nhà ga có thể triển khai mô hình đô thị vệ tinh. Đó là các nhà ga Phước Long, Rạch Chiếc và Suối Tiên, đều nằm ở TP Thủ Đức. Với đặc thù quỹ đất quanh nhà ga này vẫn còn khá nhiều, cộng thêm các dịch vụ tiện ích quanh nhà ga sẽ rất hấp dẫn chủ đầu tư xây dựng đô thị. Thậm chí ông Ngô Viết Nam Sơn còn dự báo nếu tuyến metro số 1 hoạt động tốt, việc quy hoạch và triển khai nhanh chóng có thể thu về hàng tỷ USD từ quỹ đất quanh nhà ga này. Nguồn tiền này cũng là tiền đề để tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến metro tiếp theo.

ĐOÀN XÁ